Hỏi & Đáp: Ước Mơ, Giấc Mơ, và Khải Tượng

11,389 views

Huỳnh Christian Timothy

Hỏi

Khi học về cuộc đời của Giô-sép ở trong chương trình học Thánh Kinh vào tối thứ sáu hàng tuần, khi học đến đoạn Chúa cho phép Giô-sép nằm mơ thì bà mục sư P.Đ.N. hỏi:

– Anh em có thường hay nằm mơ không?

– Anh em thường có những giấc mơ cho Chúa không?

Và bà đồng nhất ước mơ với khải tượng.

Theo tôi thì giấc mơ, sự ước mơ và khải tượng khác nhau. Chúa cho phép những giấc mơ xảy ra khi chúng ta ngủ (không phải khải tượng), nó không đến từ ý chí của bản thân. Ước mơ là điều mong ước ra từ ý chí của chúng ta. Khải tượng cũng như giấc mơ, không đến từ ý chí của bản thân, nhưng được Chúa xác quyết rõ ràng. Do đó, không thể nào đồng nhất ước mơ với khải tượng được. Mà Chúa thì làm gì cần chúng ta mơ ước, lên kế hoạch cho Ngài?

Tôi thắc mắc điều này vì:

– Không chắc điều mình nghĩ là đúng, mà hỏi những người xung quanh (tư gia) thì chỉ nhận được những câu trả lời cổ súy cho quan điểm của bà mục sư trên.

– Những năm gần đây, quan điểm đó được các diễn giả giảng dạy rất nhiều trong các buổi học, buổi nhóm của thanh niên trong Hội Thánh. Và những ngày này, tôi thường thấy nhiều người đưa ra những mơ ước thật lớn theo ý chí của họ, rồi cầu nguyện Chúa ban sức cho họ để hoàn thành mơ ước đó.

Đáp

Đúng như bạn phân tích, ước mơ, giấc mơ, và khải tượng là ba điều hoàn toàn khác biệt nhau. Ước mơ cũng không phải là ý chí.

1. Ước mơ (wish):là điều mình muốn mà biết rằng không thực tế hoặc rất khó hoàn thành vì mình không có năng lực hoặc không đủ phương tiện để đạt đến. Ước mơ khác với “dự tính” là sự tính toán, sắp xếp những điều mình sẽ thực hiện theo ý muốn và năng lực của mình. Một người bị tật nguyền có thể ước mơ được chạy nhảy như một người khỏe mạnh. Một người không có kỷ năng âm nhạc có thể mơ ước được trở thành một nhạc sĩ hoặc ca sĩ. Trong Thánh Kinh có ghi lại điều ước mơ của Phao-lô: “Tôi nói thật trong Đấng Christ, tôi không nói dối, lương tâm tôi làm chứng cho tôi bởi Đức Chúa Trời: tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn. Bởi tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác, tức dân Y-sơ-a-ên, là dân được những sự làm con nuôi, sự vinh hiển, lời giao ước, luật pháp, sự thờ phượng và lời hứa; là dân sanh hạ bởi các tổ phụ, và theo phần xác, bởi dân ấy sanh ra Đấng Christ, là Đấng trên hết mọi sự, tức là Đức Chúa Trời đáng ngợi khen đời đời. A-men” (Rô-ma 9:1-5).

2. Ý chí (will):là điều mình muốn và quyết tâm dốc đổ mọi năng lực, phương tiện để đạt đến. Thánh Kinh tiếng Anh dùng chữ “will”, Thánh Kinh tiếng Việt dùng chữ “ý,” “ý muốn.” Một người không có Chúa thì ý chí của họ bị điều động bởi xác thịt và lý trí. Ê-phê-sô 2:1-3 nói rõ về điều này. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch “ý chí” trong câu 3 thành “sự ham mê:” “Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình, đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung tức là thần hiện đương hành động trong các con bạn nghịch. Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác.”

Một người được tái sinh trong Đấng Christ thì sẽ dâng mình cho Chúa, đầu phục thánh ý của Ngài, và không còn sinh hoạt theo ý chí của riêng mình nữa, mà hoà nhập ý chí của mình với thánh ý của Thiên Chúa: “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:1-2). “Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Phi-líp 2:13).

Suốt cuộc đời của Đức Chúa Jesus trong xác thịt, Ngài không sống theo ý chí của Ngài mà sống theo thánh ý của Đức Chúa Cha: “Ta không thể tự mình làm nổi việc gì; ta xét đoán theo điều ta nghe, và sự xét đoán ta là công bình, vì ta chẳng tìm ý muốn của ta, nhưng tìm ý muốn của Đấng đã sai ta” (Giăng 5:30). “Vì ta từ trên trời xuống, chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai ta đến” (Giăng 6:38).

Đời sống người tín đồ không phải đi theo ý chí riêng tư của mình, yêu cầu Chúa chấp nhận và ban phước cho ý riêng của mình, nhưng phải là: “Làm theo ý muốn của Cha chúng ta ở trên trời” để “Ý Cha được nên” (Ma-thi-ơ 6:10). Vì không phải chỉ tin Chúa là được vào thiên đàng, nhưng phải chứng minh đức tin của mình qua sự vâng phục, làm theo Thánh Ý của Thiên Chúa, tức là trung tín cho đến chết: “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi” (Ma-thi-ơ 7:21).

3. Giấc mơ (dream):hay chiêm bao có thể là sinh hoạt tâm lý hoặc sinh hoạt tâm linh. Giấc mơ liên quan đến tâm lý là giấc mơ dựa trên các chi tiết hàng ngày trong đời sống, không liên quan gì đến thế giới thần linh. Giấc mơ liên quan đến tâm linh có thể là một sự tiếp nhận thông tin đến từ Thiên Chúa, như đã được ghi chép rất nhiều trong Thánh Kinh, hoặc là một sự tiếp nhận thông tin đến từ Sa-tan và các tà linh khác. Thánh Kinh không ghi lại trường hợp nào giấc mơ đến từ Sa-tan hoặc tà linh nhưng trong dân gian thì hiện tượng này xảy ra rất nhiều. Nhiều người nằm mơ:

  • Thấy người chết hiện về trong giấc mơ đòi hỏi cúng bái.
  • Thấy người thân hiện về báo cho biết là người ấy đã bị chết.
  • Thấy các thần tượng sai bảo làm việc này, việc nọ…

4. Khải tượng (vision):là những điều nhìn thấy trong tâm linh vào lúc tỉnh táo, không phải lúc ngủ mê như giấc mơ. Khải tượng có thể đến từ Thiên Chúa hoặc từ Sa-tan và các tà thần. Trong Thánh Kinh ghi lại rất nhiều các khải tượng đến từ Thiên Chúa, đặc biệt, nguyên cả sách Khải Huyền ghi chép những khải tượng đến từ Đấng Christ về lịch sử của loài người trong những ngày sau rốt. Thánh Kinh cũng ghi lại một trường hợp khải tượng đến từ tà thần, đó là việc bà bóng ở Ên-đô-rơ cầu vong tiên tri Sa-mu-ên và thấy hình dạng một thần linh (spirit) từ dưới đất hiện lên giống như Sa-mu-ên (I Sa-mu-ên 28).

Chúng ta biết Thiên Chúa ra lệnh tiêu diệt đồng bóng và các thầy tà thuật. Chúng ta biết Thiên Chúa đã từ bỏ vua Sau-lơ, không còn phán với ông nữa. Ngay khi Sa-mu-ên lúc còn sống cũng đã tuyệt giao với Sau-lơ. Như vậy, không thể nào một bà bóng có thể ra lệnh triệu tập tiên tri của Thiên Chúa như bà vẫn thường triệu tập các tà linh. Không thể nào Thiên Chúa dùng phương pháp cầu vong mà chính Ngài lên án để đối thoại với Sau-lơ. Việc bà bóng và Sau-lơ gọi tà linh bằng danh Sa-mu-ên và việc tà linh tự nhận là Sa-mu-ên không xác chứng đó chính là Sa-mu-ên. Việc tà linh nói với Sau-lơ những lời giống như Sa-mu-ên đã nhân danh Chúa nói trước đó không có gì lạ, vì tà linh chỉ lập lại những gì đã nghe Sa-mu-ên nói. Việc tà linh tiên tri về cái chết của Sau-lơ và Giô-na-than trong cuộc giao-tranh sẽ xảy ra ngày hôm sau cũng không có gì lạ. Trong thời của Gióp, Sa-tan có thể giết hết 10 đứa con của Gióp, có thể giết các tôi tớ của Gióp, có thể tạo ra chiến tranh (với sự cho phép của Thiên Chúa), thì trong sự cho phép của Thiên Chúa và trong chương trình của Ngài, Sa-tan vẫn có thể giết Sau-lơ và Giô-na-than, đồng thời nói trước về ý đồ của nó.

Ngày nay, Thiên Chúa vẫn dùng giấc mơ và khải tượng để thông tin cho loài người. Thánh Kinh khẳng định như vậy: “Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày sau rốt, Ta sẽ đổ Thần ta khắp trên mọi xác-thịt; Con trai và con gái các ngươi đều sẽ nói lời tiên tri, Bọn trai trẻ sẽ thấy điềm lạ, Và các người già cả sẽ có chiêm bao” (Công Vụ 2:17). Những ngày sau rốt trong lời tiên tri này kéo dài từ khi Đấng Christ hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại cho đến khi Ngài tái lâm, tiêu diệt AntiChrist và nhốt Sa-tan vào vực sâu.

Các giấc mơ và khải tượng ngày nay chỉ có tính cách nâng đỡ đời sống đức tin của riêng một người chứ không có tính cách phổ quát cho cả Hội Thánh như khi Thánh Kinh chưa hoàn tất. Những khải tượng Thiên Chúa muốn cho toàn thể nhân loại biết, thậm chí khải tượng về tận thế và trời mới, đất mới đã được hoàn tất và ghi lại trong Thánh Kinh. Ngày nay, người nào cho rằng mình nhận được những khải tượng về tận thế, về thiên dàng, về hoả ngục mà “Chúa” (thật ra là Sa-tan mạo nhận) bảo họ phải công bố ra cho mọi người khác biết là người ấy có ý nói Thánh Kinh cần phải được viết thêm! Dĩ nhiên, do sự nhân từ, thương xót của Thiên Chúa, Ngài vẫn có thể cho một người thấy những khải tượng về tận thế, về thiên đàng, về hoả ngục… nhưng những khải tượng này chỉ dành riêng cho người nhận khải tượng để nâng đỡ đức tin hoặc chức vụ của chính người ấy.

Những hình thức khải tượng đến từ tà linh là:

  • Khải tượng của những người hành thiền.
  • Khải tượng về sự hiện ra của bà Ma-ri.
  • Khải tượng về hỏa ngục, thiên đàng của bà Mary K. Baxter.
  • Khải tượng về hoả ngục, thiên đàng của ông Daniel Ekechukwu
  • Các khải tượng của những người Ân Tứ và Ngũ Tuần, như trường hợp khải tượng thấy California bị động đất của ông Nguyễn Viết Ánh.

Có những nhóm Ân Tứ và Ngũ Tuần thường họp nhau lại “cầu nguyện trong tiếng lạ” hết giờ này sang giờ khác và sau đó ngồi kể cho nhau nghe những “khải tượng” họ được nhìn thấy trong khi “cầu nguyện.” Trong mỗi buổi “cầu nguyện” như vậy, một người có thể thấy hàng chục “khải tượng…” Có điều gì đó sai trái trong sinh hoạt này. Chúa dạy chúng ta hãy đi khắp thế gian để giảng Tin Lành. Chúa không dạy chúng ta tụm nhau lại một chỗ, thành lập những nhóm cá biệt để “cầu nguyện tiếng lạ” và “nhận lãnh khải tượng.” Sự giảng giải Lời Chúa của những người này có vấn đề.

Những ai đang sinh hoạt trong các phong trào Ân Tứ và Ngũ Tuần cần phải thật lòng hạ mình trước mặt Chúa xin Chúa thương xót giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của tà thần. Tinh thần kiêu ngạo, tinh thần chạy theo dấu kỳ phép lạ, và tà linh nói tiếng lạ… đến từ Sa-tan, mạo nhận là ân tứ của Đức Thánh Linh, đang cầm giữ những người này trong bóng tối và sự chết! Một người đang bị ảnh hưởng của Ân Tứ và Ngũ Tuần chỉ cần chân thành hướng lòng về Thiên Chúa Ba Ngôi, thưa với Chúa, đại khái: “Lạy Chúa, nếu những sự nói tiếng lạ, chữa bệnh, trừ quỷ, nói tiếng tri, thấy khải tượng… trong con là ân tứ của Đức Thánh Linh thì con cảm tạ Chúa và xin Chúa ấn chứng cho con. Nếu những quyền phép này đến từ Sa-tan và các tà thần của nó mà xưa nay con đã bị lường gạt, thì xin Chúa cứu lấy con, giải phóng con khỏi các quyền lực tối tăm này và phục hồi cho con những ân tứ thật sự đến từ Đức Thánh Linh.” Tiếp liền theo đó là nhân danh Đức Chúa Jesus Christ để xua đuổi các tà linh ra khỏi thân thể mình.

Chúng ta không thể đồng nhất ước mơ với khải tượng. Ước mơ đến từ chúng ta và khó thể hiện thực. Khải tượng đến từ Thiên Chúa hoặc tà linh. Chúng ta cũng không thể đưa ra ý chí của mình cho Thiên Chúa đóng dấu chấp thuận, mà chúng ta phải sống và làm theo thánh ý của Cha chúng ta ở trên trời. Người thật sự ở trong Chúa sẽ nghe được tiếng gọi của Chúa, sẽ biết được Chúa ban cho mình những ân tứ gì, và sẽ hết lòng, hết sức làm theo tiếng gọi của Ngài. Đức Chúa Jesus phán: “Chiên Ta nghe tiếng Ta!” Chiên thật của Chúa đương nhiên nghe tiếng Chúa, không cần phải cầu xin cho được nghe tiếng Chúa! Điều duy nhất con dân Chúa cần cầu xin đó là: cầu xin Chúa ban cho sự khôn ngoan và được kết quả trong sự hầu việc Chúa của mình.

Huỳnh Christian Timothy
03.09.2007
Hiệu Đính Lần Thứ Nhất 14.12.2012

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?yu2982qrt5r5p9l


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.