Hỏi & Đáp: Ý Nghĩa I Cô-rinh-tô 12

7,156 views

Huỳnh Christian Timothy

Hỏi:

Xin Tin-Lành Biện Giáo vui lòng giảng dạy thêm đoạn Thánh Thư của vị Sứ Đồ khả kính Phao-lô gởi cho Hội Thánh Cô-rinh-tô: I Cor. 12:1-31.(Tran d. Phung)

Đáp:

Thưa bạn Tran d. Phung,

Nhận được yêu cầu trên đây của bạn gửi đến Ban Biên Tập tinlanhbiengiao.net, tôi cậy ơn Chúa để chia sẻ sự hiểu biết của mình về đoạn Thánh Kinh I Cô-rinh-tô 12.

1 Hỡi anh em, tôi không muốn anh em chẳng biết về các sự ban cho thiêng liêng.

Sứ Đồ Phao-lô muốn cho tín hữu của Hội Thánh Cô-rinh-tô và “mọi người bất luận ở nơi nào, cầu khẩn danh Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, là Chúa của những người ấy và của chúng ta” (I Cô-rinh-tô 1:2) được hiểu biết về các sự ban cho thiêng liêng, tức là sự ban cho:

1. Quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, được tái sinh trong Đấng Christ, trở thành chi thể của Ngài
(câu 12-27)
2. Các chức vụ trong Hội Thánh (câu 5, 28-30)
3. Các công vụ của Đức Thánh Linh trong Hội Thánh (câu 6-11)

Sau khi có sự hiểu biết tỏ tường về các sự ban cho thiêng liêng thì tín hữu mới có thể hiểu được sự ban cho lớn hơn hết mà Phao-lô trình bày trong đoạn 13 (câu 31).

2 Anh em biết khi mình còn là người ngoại đạo, bị khuyên dỗ hướng về các thần tượng câm, tùy ý người ta dẫn dụ mình.

Khi nói “anh em biết” là Phao-lô khẳng định mỗi tín hữu đều biết lẽ thật này: ấy là khi còn là người chưa tin nhận Chúa, chúng ta bị người khác dụ dỗ chúng ta thờ lạy các thần tượng câm. Thần tượng câm có nghĩa là thần tượng không có lời sự sống, khác với Đức Chúa Trời là Đấng có Ngôi Lời và Ngôi Lời là sự sống và sự sáng của thế gian (Giăng 1:4). Chữ “tùy ý” trong câu này có nghĩa là người ta bảo sao, chúng ta làm vậy, bất kể có đúng lời Chúa hay không.

Ngày nay, nhiều người vẫn bị người khác “tùy ý” dẫn dụ đi xa lẽ thật, đi xa lời sự sống và sự sáng của Đức Chúa Trời. Những phong trào “hòa đồng tôn giáo” như Thần Học Hội Nhập, Thần Học Con Mắt Thứ Ba, Sống Theo Đúng Mục Đích, Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích, Nói Tiếng Lạ (Người Công Giáo và người Tin Lành “thông công” với nhau trong những buổi cầu nguyện tiếng lạ)… là điển hình cho sự “tùy ý dẫn dụ” trong câu này.

Chỉ có những người “ngoại đạo” mới bị dẫn dụ mà thôi. Những người thật sự “ở trong đạo” và “đạo ở trong họ” (Giăng 15:5) thì không thể bị dẫn dụ. Nhiều người đã cầu nguyện tin nhận Chúa, đã làm báp-tem, sốt sắng các công việc trong Hội Thánh, thậm chí làm chứng cho nhiều người tin Chúa, hoặc là giáo sĩ, là người chăn được xem là “đầy ơn” nhưng vẫn là người “ngoại đạo.” Những người “ngoại đạo” mang bảng hiệu “trong đạo” này thờ lạy các thần tượng: bằng cấp, chức vụ, giáo phái… là những thần tượng có thể thấy được bên ngoài. Sâu kín trong tâm thần của họ là các thần tượng: tham lam, kiêu ngạo, tà dâm… là những thần tượng khó thể thấy, trừ khi chúng ta nhờ ơn Chúa đục một cái lỗ để nhìn vào (Ê-xê-chi-ên 8).

3 Bởi đó, tôi tỏ cùng anh em, chẳng ai cảm Thánh Linh của Đức Chúa Trời, mà nói rằng: Đức Chúa Jêsus đáng nguyền rủa! Nếu không cảm Đức Thánh Linh, cũng chẳng ai xưng Đức Chúa Jêsus là Chúa!

Một người buông lời nguyền rủa Đức Chúa Jesus là một người bị quyền lực của tà linh tác động. Dễ nhận diện nhất là những người công khai mang bảng hiệu “ngoại đạo” như Trần Chung Ngọc, Charlie Nguyễn, và nhóm Giao Điểm. Rất khó để nhận diện là những người mang bảng hiệu “trong đạo” nhưng thật ra, họ là những người “ngoại đạo,” là sói đội lốt chiên, là những kẻ giúp việc Sa-tan, mạo làm kẻ giúp việc công bình (Ma-thi-ơ 7:15; 2 Cô-rinh-tô 11:14-15). Khi một người không vâng phục lời Chúa là người ấy lên mình kiêu ngạo. Một người lên mình kiêu ngạo, lập tức rơi vào quyền lực của Sa-tan. Vì vậy, những người “được ơn nói tiếng lạ,” nếu nói tiếng lạ ngoài quy định của Thánh Kinh, thì coi chừng lòng kiêu ngạo của mình là cái cớ để Sa-tan “thần cảm” cho mình nói tiếng lạ nguyển rủa Đấng Christ mà mình không biết, lại còn tự hào là đang thông công với Đức Chúa Trời. Đừng để cho cảm giác đánh lừa. Vấn đề không phải là cảm giác hay hiện tượng. Vấn đề là chúng ta có vâng phục lời Chúa hay không.

Người ta thường lấy câu sau đây để chứng minh là họ được thần cảm bởi Đức Thánh Linh: “Nếu không cảm Đức Thánh Linh, cũng chẳng ai xưng Đức Chúa Jêsus là Chúa!” Ý của Phao-lô nói ở đây không phải là hình thức xưng Đức Chúa Jesus là Chúa bên ngoài môi miệng (mà lòng thì cách xa Ngài lắm). Nếu như vậy, thì các quỷ dữ khi bị Chúa đuổi ra khỏi thân thể các nạn nhân, xưng Ngài là Chúa cũng được cảm Đức Thánh Linh hay sao? Công An giả mạo làm tín đồ, mục sư xưng Đức Chúa Jesus là Chúa cũng được cảm bởi Đức Thánh Linh hay sao? Chẳng phải vậy. Sự xưng Đức Chúa Jesus là Chúa mà Phao-lô nói ở đây, có nghĩa xưng nhận Đức Chúa Jesus làm Chúa của mình. Lời xưng nhận này là kết quả của lòng ăn năn, thống hối về tội lỗi của mình, tiếp nhận ân điển cứu rỗi của Đấng Christ, và dâng hiến cuộc đời mình cho Ngài, đặt sự sống và sự chết của mình trong bàn tay của Đấng Christ (Rô-ma 8:8-10; 14:7-9). Sự đầu phục đó phải được thần cảm bởi Đức Thánh Linh. Sự đầu phục đó, nghĩa là sự hoàn toàn đặt để sự sống và sự chết của mình trong bàn tay của Đấng Christ, là ấn chứng của sự tái sinh.

4 Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh.

Các sự ban cho của Đức Chúa Trời, còn gọi là ân tứ, dù có khác nhau, nhưng chỉ xuất phát từ Đức Thánh Linh, vì vậy, không thể có sự mâu thuẫn giữa các sự ban cho này. Cũng chính vì thế mà những người thật sự ở “trong đạo” nhận biết đâu là ân tứ thật sự đến từ Đức Thánh Linh, đâu là ân tứ giả mạo đến từ Sa-tan. Người thật sự đã được tái sinh, không chạy theo danh tiếng và phép lạ thì không thể bị Sa-tan dẫn dụ, gạt gẫm; vì trong người ấy có Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật, dẫn người vào trong “mọi lẽ thật” của lời Chúa và dùng lời Chúa thánh hóa người (Giăng 16:13; 17:17).

5 Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.

Trong Hội Thánh có nhiều chức vụ khác nhau do Chúa kêu gọi và ban cho mỗi tín hữu để gây dựng bản thân và phát triển Hội Thánh. Mặc dù các chức vụ khác nhau nhưng đều đến từ một Chúa, đều được xức chung một Thánh Linh cho nên không thể có bất đồng và bất hòa. Hội Thánh nào mà người chăn và các chấp sự, các trưởng lão có sự xung khắc với nhau là Hội Thánh đó đang có “sói đội lốt chiên” trong hàng ngũ lãnh đạo.

6 Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người.

Các việc làm ở đây là các việc Đức Chúa Trời làm ra ở trong Hội Thánh qua mỗi tín hữu. Vì là cùng một Đức Chúa Trời cho nên các việc trong Hội Thánh không thể có sự mâu thuẫn. Vấn đề là chúng ta có bằng lòng đầu phục Chúa trọn vẹn để Ngài làm mọi việc trong chúng ta hay không.

7 Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung.

Mỗi một ân tứ của Đức Thánh Linh ban cho bất kỳ ai trong Hội Thánh đều nhằm một mục đích là đem lại ích lợi chung cho toàn thể Hội Thánh, không phải để xây dựng vinh hiển và của cải vật chất cho riêng một cá nhân nào. Chữ “tỏ ra” (manifestation) trong câu này có ý nói tất cả các ân tứ của Đức Thánh Linh đều giúp cho chúng ta nhận thấy thuộc tính của Đức Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22):

  • lòng yêu thương
  • sự vui mừng
  • sự bình an
  • sự nhịn nhục
  • sự nhơn từ
  • sự hiền lành
  • sự trung tín
  • sự mềm mại
  • sự tiết độ.

Bất cứ một sự thể hiện ân tứ nào mà không hội đủ các thuộc tính trên đây thì ân tứ đó không đến từ Đức Thánh Linh. Đây là câu Thánh Kinh hàm chứa nguyên tắc giúp chúng ta nhận biết ân tứ thật của Đức Thánh Linh. Ân tứ thật của Đức Thánh Linh luôn luôn tỏ ra đầy trọn thuộc tính của Đức Thánh Linh.

8 Vả, người nầy nhờ Đức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức.

Lời nói khôn ngoan đem lại sự hòa thuận trong Hội Thánh. Lời nói tri thức (cả thuộc thể lẫn thuộc linh) khiến cho Hội Thánh được thông biết, tránh được cái họa bị diệt (Ô-sê 4:6).

9 Bởi một Đức Thánh Linh, cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Đức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh;

Chúng ta đã biết, nhờ ân điển, bởi đức tin mà chúng ta được cứu. Ân điển và đức tin đều là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Sau khi có đức tin vào trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, là đức tin dẫn đến sự tái sinh, chúng ta tiếp tục sống bởi đức tin:

Vì trong Tin Lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin. (Rô-ma 1:17).

Đức Thánh Linh ban thêm đức tin cho chúng ta tùy theo sự khao khát được tăng trưởng trong Chúa của chúng ta. Một người cha công bình sẽ chia tài sản nhiều hơn cho những đứa con hết lòng muốn tạo dựng sự nghiệp. Đó là ý nghĩa của sự đức tin dẫn đến đức tin mà sự chọn lựa nhận nhiều hay ít là do tấm lòng của chúng ta. Những đức tin mà Đức Thánh Linh ban thêm cho chúng ta có thể là đức tin cần phải có để đứng vững, trung tín với Chúa khi bị cám dỗ, thử thách, hoặc bị bách hại, nhất là khi những sự đó đến từ gia đình hoặc từ những người ở trong Hội Thánh mà không thánh.

10 người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói tiên tri; người thì được phân biệt các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy.

Đây là một câu Thánh Kinh quan trọng cho thấy giáo lý dạy rằng: Hễ một người được báp-tem bằng Thánh Linh thì phải biết nói tiếng lạ, là ngụy giáo lý. Rõ ràng lời Chúa dạy: “kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy” cho thấy không phải tất cả mọi người trong Hội Thánh đều được ân tứ nói tiếng lạ hoặc tất cả mọi ngưòi trong Hội Thánh đều được ân tứ thông giải tiếng lạ. Cũng vậy, không phải tất cả mọi người trong Hội Thánh đều được ơn nói tiên tri, hoặc ơn phân biệt các thần. Chính vì không phải ai cũng được ân tứ giống nhau cho nên Hội Thánh phải nhóm họp lại để nghe người được ơn nói tiên tri rao giảng lời Chúa, nghe người được ơn phân biệt các thần chỉ ra các thứ “thần cảm giả mạo,” nghe người được ơn nói tiếng lạ rao giảng những điều kỳ diệu của Đức Chúa Trời khi có người thông giải cho sự rao giảng ấy (I Cô-rinh-tô 14:26-28). Không có người thông giải tiếng lạ mà cầu nguyện và rao giảng tiếng lạ trong Hội Thánh là lên mình kiêu ngạo, chống nghịch lời Chúa (I Cô-rinh-tô 14:37). Người như thế sẽ bị Sa-tan xâm nhập để giả mạo tiếng lạ mà nguyền rủa Đấng Christ ngay trong Hội Thánh của Ngài.

11 Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người.

Đây lại là một câu Thánh Kinh quan trọng cho thấy giáo lý dạy rằng: Hễ một người được báp-tem bằng Thánh Linh thì phải biết nói tiếng lạ, là ngụy giáo lý. Vì nói tiếng lạ là một trong các ân tứ của Đức Thánh Linh, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người. Chúng ta thấy hai nguyên tắc như sau:

1. Ân tứ được Đức Thánh Linh phân phát theo ý Ngài muốn, chứ không phải theo sự nài xin của chúng ta mà được, mặc dù chúng ta nên có lòng khao khát, mong ước tất cả những sự tốt đẹp đến từ Đức Chúa Trời.
2. Đức Thánh Linh phân phát riêng cho mỗi người ân tứ mà Ngài muốn ban cho người ấy chứ không có chuyện mọi người cùng lãnh nhận ân tứ như nhau.

12 Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy.
13 Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-tem chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa.
14 Thân cũng chẳng phải có một chi thể, bèn là nhiều chi thể.
15 Nếu chơn rằng: vì ta chẳng phải là tay, nên ta không thuộc về thân, thì chẳng phải bởi đó chơn không có phần trong thân.
16 Và nếu tai rằng: Vì ta chẳng phải là mắt, nên ta không thuộc về thân, thì tai chẳng phải bởi đó không có phần trong thân.
17 Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu?
18 Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định.
19 Nếu chỉ có một chi thể mà thôi, thì cái thân ở đâu?
20 vậy, có nhiều chi thể, song chỉ có một thân.
21 Mắt không được nói với bàn tay rằng: Ta chẳng cần đến mầy; đầu cũng chẳng được nói với chơn rằng: Ta chẳng cần đến bay.
22 Trái lại, các chi thể của thân xem ra rất yếu đuối lại là cần dùng.
23 Chi thể nào trong thân chúng ta nghĩ là hèn hạ hơn, thì chúng ta tôn trọng hơn; chi thể nào chẳng đẹp, thì chúng ta lại trau giồi hơn,
24 còn như cái nào đã đẹp rồi, thì không cần trau giồi. Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quí trọng hơn,
25 hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau.

Đức Thánh Linh, qua Phao-lô mượn hình ảnh hiệp một của thân thể xác thịt chúng ta mà dạy chúng ta về sự hiệp một của Hội Thánh là thân thể Đấng Christ. Có nhiều giáo phái hay hệ phái không phải là vấn đề. Vấn đề là các giáo phái và hệ phái không hiệp một trong sự gây dựng và phát triển thân thể của Đấng Christ. Thực tế phủ phàng cho chúng ta thấy:

– Đại hội Baptist không được CMA ủng hộ,
– Đại hội CMA không được Baptist ủng hộ.

Đã không ủng hộ mà còn “tẩy chay” mới là tệ hại! Nhiều khi, ngay cả cùng một giáo phái mà cũng không có sự hiệp nhứt. Chúng tôi từng biết có những “mục sư” tuyên bố đại khái: “Nếu có mục sư ABC đến thì tôi sẽ không đến!”. Khi vào thiên đàng, không biết những người  này có dám tuyên bố: “Nếu có mục sư ABC trong thiên đàng thì tôi sẽ không vào”? Nhiều “mục sư” không tham dự và tẩy chay những buổi nhóm cầu nguyện cho Hội Thánh và quê hương, dân tộc Việt Nam do các tín hữu đứng ra tổ chức. Cái tinh thần ganh tỵ, kiêu ngạo dẫn đến sự bất hợp tác trong Hội Thánh Việt Nam thật là lớn lắm.

Thiết tưởng, chúng ta cần phải lấy lời Chúa làm thẩm quyền tuyệt đối chứ không phải nội quy, điều lệ, tín lý… của một giáo hội. Đấng Christ chỉ tạo nên Hội Thánh, Ngài không tạo ra các giáo hội.

Ngày nào, Hội Thánh dùng đến tên gọi của Hội Thánh do Đức Thánh Linh đã bày tỏ trong Thánh Kinh: Hội Thánh Của Đấng Christ hoặc Hội Thánh Của Đức Chúa Trời (Rô-ma 16:16; 1 Cô-rinh-tô 1:2; 10:32; 11:16; 15:9; 2 Cô-rinh-tô 1:1; Ga-la-ti 1:13; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:14; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:4; 1 Ti-mô-thê 3:15) thay vì những tên gọi do loài người đặt ra (như: Hội Thánh Baptist, Hội Thánh Giám Lý, Hội Thánh Trưởng Lão…) thì ngày đó chắc sự hiệp một trong thân thể của Đấng Christ được thành toàn.

26 Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác cùng vui mừng.

Đây là tiêu chuẩn để nhận biết một người có thật đã ăn năn tội, đã được tái sinh vào trong Hội Thánh của Chúa hay chưa. Những ai không hề chạnh lòng trước những đau khổ, bất công, và sự bách hại đang giáng xuống trên con dân của Chúa ở khắp nơi, thì đó là những người không thuộc về Hội Thánh, vì nếu họ thuộc về Hội Thánh, họ phải tự nhiên đau đớn và tích cực xoa dịu, chăm sóc phần chi thể bị đau.  Những ai có lòng ganh tỵ khi thấy anh chị em trong Đấng Christ được đầy ơn, được tôn trọng, thì những người đó cũng không thuộc về Hội Thánh, vì lẽ tự nhiên là bất kỳ một chi thể nào được khen ngợi thì cả thân thể đều vui mừng.

27 Vả, anh em là thân của Đấng Christ, và là chi thể của thân, ai riêng phần nấy.
28 Đức Chúa Trời đã lập trong Hội thánh, thứ nhứt là sứ đồ, thứ nhì là đấng tiên tri, thứ ba là thầy giáo, kế đến kẻ làm phép lạ, rồi kẻ được ơn chữa bịnh, cứu giúp, cai quản, nói các thứ tiếng.
29 Có phải cả thảy là sứ đồ sao? Cả thảy là tiên tri sao? Cả thảy đều là thầy giáo sao? Cả thảy đều làm phép lạ sao?
30 Cả thảy đều được ơn chữa bịnh sao? Cả thảy đều nói tiếng lạ sao? Cả thảy đều thông giải tiếng lạ sao?

Một lần nữa, Phao-lô tái xác định địa vị, chức vụ, và ân tứ khác nhau của mỗi người trong Hội Thánh. Một người có thể cùng lúc nhận được nhiều ân tứ khác nhau. Một người có thể chỉ nhận được có một ân tứ duy nhất. Không ai nhận lãnh gống nhau vì tất cả đều tùy thuộc vào sự ban cho của Đức Thánh Linh, ai riêng phần nấy, theo thánh ý của Ngài! Những câu Thánh Kinh trên đây một lần nữa chứng minh giáo lý: Hễ một người được báp-tem bằng Thánh Linh thì phải biết nói tiếng lạ, là ngụy giáo lý:

– Cả thảy đều được ơn chữa bịnh sao? Không phải vậy, chỉ những ai Đức Thánh Linh ban cho ơn chữa bịnh.
– Cả thảy đều nói tiếng lạ sao? Không phải vậy, chỉ những ai được Đức Thánh Linh ban cho ơn nói tiếng lạ.
– Cả thảy đều thông giải tiếng lạ sao? Không phải vậy, chỉ những ai được Đức Thánh Linh ban cho ơn thông giải tiếng lạ.

Nói tiếng lạ là một ơn theo sau các ơn: làm sứ đồ, nói tiên tri, làm thầy giáo, làm phép lạ, chữa bệnh, cứu giúp, và cai quản. Nói tiếng lạ không phải là một ơn mà tín hữu nào cũng được ban cho!

31 Hãy ước ao cho được sự ban cho lớn hơn hết. Bây giờ, tôi sẽ chỉ dẫn cho anh em con đường tốt lành hơn.

Sau khi giảng giải cho các tín hữu hiểu biết nguồn gốc, mục đích, ý nghĩa các sự ban cho của Đức Thánh Linh, Phao-lô hướng tâm trí tín hữu đến sự ban cho lớn hơn hết, món quà mà bất kỳ tín hữu nào cũng được nhận lãnh và còn đến đời đời, đó là TÌNH YÊU THƯƠNG!

Huỳnh Christian Timothy
03.09.2007

Bấm vào đây để download bài viết này

Copyright Notice: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2007 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.