Huỳnh Christian Priscilla (Mỹ Linh)
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/114_cacbaigiangkhac
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài này
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE4MTc4X0NuMXN5
Bấm vào nút “play” ► để nghe:
“Hãy mặc trang sức thánh mà thờ lạy Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; Hỡi cả trái đất, hãy run sợ trước mặt Ngài.” (Thi Thiên 96:9).
Trang sức là sửa soạn, trau dồi thân thể và y phục như các thứ quần, áo, khăn, nón, giày dép… để làm tôn vẻ đẹp bên ngoài của một người; hoặc bằng cách dùng các loại mỹ phẩm như son, phấn, kem… đeo gắn các nữ trang các loại vàng, bạc, đá quý… thoa xức các hương liệu là các thức có mùi thơm.
Thánh Kinh đề cập đến sự “trang sức thánh” và dạy cho chúng ta biết, đó là một yêu cầu đối với những ai muốn ra mắt Chúa và thờ lạy Ngài:
“Hãy tôn Đấng Tự Hữu Hằng Hữu vinh quang xứng đáng cho danh Ngài; Hãy mặc trang sức thánh mà thờ lạy Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Thi Thiên 29:2).
“Hãy mặc trang sức thánh mà thờ lạy Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; Hỡi cả trái đất, hãy run sợ trước mặt Ngài.” (Thi Thiên 96:9).
“Trong ngày quyền thế Chúa, dân Chúa tình nguyện lại đến; Những kẻ trẻ tuổi ngươi mặc trang sức thánh cũng đến với ngươi Như giọt sương bởi lòng rạng đông mà ra.” (Thi Thiên 110:3).
“Hãy tôn Đấng Tự Hữu Hằng Hữu vinh quang phán xét danh Ngài, đem lễ vật đến trước mặt Ngài; Hãy mặc lấy trang sức thánh mà thờ lạy Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (I Sử Ký 16:29).
Sự trang sức thánh không phải chỉ là sự trang sức bên ngoài, mà phải là sự trang sức từ bên trong tâm thần ra đến bên ngoài thân thể xác thịt. Bên trong thì phải là một tâm thần yên tĩnh, nhu mì, và khiêm nhường:
“Vì thấy cách ăn ở của chị em là tinh sạch và cung kính; là những người chẳng theo sự trang sức bề ngoài, như cài tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần; nhưng theo sự trang sức con người giấu kín ở trong lòng, bởi sự chẳng hư nát của tâm thần nhu mì, yên tĩnh, ấy là giá quý trước mặt Đức Chúa Trời.” (I Phi-e-rơ 3:2-4).
“Cũng khuyên bọn trẻ tuổi, hãy phục theo các trưởng lão. Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” (I Phi-e-rơ 5:5).
Để có thể trang sức thánh cho con người bên trong, trước hết, chúng ta cần phải có một tâm thần yên tĩnh. Tức là một tâm thần luôn biết lắng nghe, để học hỏi, không tranh cãi nhằm bảo vệ những ý tưởng riêng của mình. Tất cả mọi ý tưởng của chúng ta đều phải làm tôi, vâng phục Đấng Christ:
“Vả, những khí giới mà chúng tôi dùng để chiến tranh là không phải thuộc về xác thịt đâu, bèn là bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, có sức mạnh để đạp đổ các đồn lũy: nhờ khí giới đó chúng tôi đánh đổ các lý luận, mọi sự tự cao nổi lên nghịch cùng sự hiểu biết Đức Chúa Trời, và bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Christ.” (II Cô-rinh-tô 10:4-5).
Ngày nay, nhiều người xưng mình là con dân Chúa mà luôn công khai bênh vực, tôn cao các ý tưởng của mình và của người khác, nghịch lại các mạng lệnh của Chúa đã được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh.
“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của Ta, và học theo Ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11:29).
Kế tiếp, chúng ta cần học tập sự nhu mì và khiêm nhường của chính Đức Chúa Jesus Christ, bằng cách mang ách chung với Chúa, tức là cùng làm những việc Ngài làm: “Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm.” (I Giăng 2:6).
Như Thế Nào Là Nhu Mì
Nhu mì là mềm mại, hiền lành, dịu dàng trong cách ứng xử, không nạt nộ, không lớn tiếng tranh cãi; nhưng không hề có nghĩa là khiếp nhược, không dám nói lên những điều sai trái, bất công, không dám gọi tội là tội, không dám dùng lời Chúa để quở trách anh chị em trong Chúa khi họ ngoan cố phạm tội, không dám dứt phép thông công những kẻ có tội mà không chịu ăn năn.
Sứ Đồ Phao-lô đã học theo gương của Đức Chúa Jesus Christ, đã mang ách chung với Chúa, và làm theo như chính Ngài đã làm. Ông dạy cho con dân Chúa cần có thái độ như sau:
“Nhưng tôi viết khuyên anh em đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian dâm, hoặc tham lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chửi rủa, hoặc say sưa, hoặc chắt bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy. Bởi vì có phải tôi nên phán xét kẻ ở ngoài sao? Chẳng phải anh em nên phán xét những người ở trong sao? Còn như kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ phán xét họ. Hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi anh em.” (I Cô-rinh-tô 5:11-13).
Nhu mì cũng không có nghĩa là tìm cách làm giảm đi sức mạnh của Lời Chúa, sợ người nghe tự ái bằng cách tránh dùng những từ ngữ Chúa dùng. Lời Chúa đã gọi những kẻ giảng tà giáo là giáo sư giả, là kẻ làm công gian ác, là kẻ ngu dại… vẫn học luôn mà không thông biết lẽ thật, v.v. thì chúng ta cứ thẳng thắn dùng những từ ngữ đó để gọi họ. Sau khi mình đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo lần thứ nhất và lần thứ nhì rồi, mà họ vẫn không thay đổi thì hãy tránh xa. Chúng ta có bổn phận làm theo Lời Chúa:
“Nhưng hãy lánh những điều cãi lẽ dại dột, những gia phổ, những sự cạnh tranh nghị luận về luật pháp, vì mấy sự đó đều là vô ích và hư không. Sau khi mình đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo lần thứ nhất và lần thứ nhì rồi, thì hãy tránh khỏi, vì biết rằng người như thế đã bội nghịch mà cứ phạm tội, thì tự đoán phạt lấy mình.” (Tít 3:10 -11).
Như Thế Nào Là Khiêm Nhường
Khiêm nhường là không kiêu ngạo, không khoác lác, không khoe quá mức giá trị thật của mình, không đòi hỏi người khác phải tôn cao mình; nhưng không hề có nghĩa là chẳng dám công nhận giá trị thật của mình, chẳng nhận mình đúng, mình sống theo Thánh Kinh, khi mình thật sự nói và sống theo Lời Chúa.
Khiêm nhường cũng không có nghĩa là không công nhận công lao của mình! Nếu chúng ta thật có công, thì chúng ta thẳng thắn nhận lời khen của mọi người và dâng sự vinh quang lên Chúa.
Sự trang sức thánh bên ngoài là trang điểm và phục sức đơn sơ, giản dị, không lòe loẹt, không tốn kém, không chạy theo các thời trang của những “thần tượng” trong giới văn nghệ, điện ảnh, thể thao của thế gian. Thánh Kinh không cấm chúng ta sử dụng những gì của thế gian, nhưng khuyên chúng ta chớ ham mến thế gian. Vì sự ham mến thế gian sẽ khiến cho một người không có tiết độ trong đời sống, cứ ham mê chạy theo vật chất, tiền tài, danh vọng, và sắc đẹp… mà không còn tỉnh thức về phần thuộc linh.
“Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.” (I Phi-e-rơ 5:8).
“Kẻ dùng của thế gian, nên như kẻ chẳng dùng vậy; vì hình trạng thế gian này qua đi.” (I Cô-rinh-tô 7:31).
Phụ nữ không cắt, hoặc nhuộm các kiểu tóc theo thời trang của thế gian, các kiểu tóc cầu kỳ, tốn kém, nhất là theo kiểu các nghệ sĩ của nhạc Rock. Đặc biệt, con dân Chúa không mặc các trang phục hở hang, khêu gợi, cám dỗ người khác phạm tội tà dâm. Ngày nay, đến những nơi gọi là sự nhóm họp của Hội Thánh, là nơi mà người ta cho rằng họ đến đó để thờ phượng Chúa, chúng ta sẽ thấy không biết bao nhiêu là phụ nữ, kể cả vợ của những người chăn, những trưởng lão, những chấp sự mà họ ăn mặc lòe loẹt, hở hang, phô bày thân thể trong sự lả lơi, như là gợi dục, khoe đùi, khoe ngực, khoe lưng, muốn được người ta say mê, tôn vinh xác thịt của mình.
“Ta cũng muốn rằng những người đàn bà ăn mặc một cách gọn ghẽ, lấy nết na và tâm trí tỉnh táo trau giồi mình, không dùng những kiểu tóc, vàng, châu ngọc và áo quần quý giá, nhưng dùng việc lành, theo lẽ tự nhiên của người đàn bà tin kính Chúa.” (I Ti-mô-thê 2:9-10).
Sách Châm ngôn cho chúng ta biết về người đàn bà tin kính Chúa như sau:
“Một người nữ tài đức ai sẽ tìm được? Giá trị nàng trội hơn châu ngọc… Duyên là giả dối, sắc lại hư không; Nhưng người nữ nào kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ được tôn vinh.” (Châm ngôn 31:10; 30).
Đàn ông không để tóc dài. Thế nào là đàn ông để tóc dài? Là khi người khác nhìn đầu tóc mình từ phía sau có thể lầm tưởng mình là một phụ nữ!
“Chính lẽ tự nhiên chẳng dạy cho anh em biết đàn ông để tóc dài thì lấy làm hổ thẹn sao? Nhưng, nếu đàn bà để tóc dài thì là lịch sự cho mình, và đã ban tóc dài cho người, dường như khăn trùm vậy.” (I Cô-rinh-tô 11:4).
Đàn ông không xỏ tai. Sự xỏ tai để chỉ sự lệ thuộc của con gái vào cha, của người vợ vào chồng, và của nô lệ vào chủ.
“Nếu kẻ tôi mọi nói rằng: Tôi thương chủ, vợ và con tôi, không muốn ra được tự do, thì người chủ sẽ dẫn nó đến trước mặt Đức Chúa Trời, bảo lại gần cửa hay là cột, rồi lấy mũi dùi xỏ tai; nó sẽ hầu việc người chủ đó trọn đời.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:5-6).
Đàn ông đeo bông tai theo thời trang của các ca sĩ, nhạc sĩ của nhạc Rock là tự nói lên mình chịu lệ thuộc vào Sa-tan, là thần tượng của nhạc Rock, của phong trào đàn ông đeo bông tai để tỏ ra mình thuộc giới đồng tính luyến ái.
“Khuyên những đàn ông lớn tuổi phải tiết độ, nghiêm trang, khôn ngoan, có đức tin, lòng yêu thương và tính nhẫn nại vẹn lành. Những đàn bà lớn tuổi cũng vậy, phải có thái độ hiệp với sự thánh.” (Tít 2:2-3).
Ngoài ra, con dân Chúa không vì bất cứ một lý do gì mà xăm mình, kể cả xăm môi, xăm mí mắt, xăm chân mày, v.v.. Lời Chúa nghiêm cấm việc xăm lên thân thể:
“Chớ vì kẻ chết mà cắt thịt mình. Chớ xăm vẽ trên mình. Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Lê-vi Ký 19:28).
Những ai vì không biết Lời Chúa, vô ý đã lỡ xăm. Tức là phạm tội không đến nỗi chết, thì hãy ăn năn và xưng tội với Chúa. Vì, Đức Chúa Trời chẳng kể kẻ có tội là vô tội.
“Nếu có ai thấy anh chị em cùng Cha của mình phạm tội, mà tội không đến nỗi chết, thì hãy cầu xin, và Ngài sẽ ban sự sống cho, tức là ban cho những kẻ phạm tội mà chưa đến nỗi chết. Cũng có tội đến nỗi chết; ấy chẳng phải vì tội đó mà ta nói nên cầu xin.” (I Giăng 5:16).
Còn những ai đã biết Lời Chúa, từng nghe người khác giảng dạy lẽ thật trong Thánh Kinh, hiểu thế nào là nếp sống Thánh khiết ở trong Chúa, nếu không hết lòng ăn năn, thay đổi đời sống, mà vẫn cố ý sống trong tội, cứ tái phạm để chiều theo sự ưa muốn của xác thịt, thì đó là tội đáng chết.
“Chớ hề dối mình; Thiên Chúa không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống nào, lại gặt giống ấy.” (Ga-la-ti 6:7).
“Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi.” (Hê-bơ-rơ 10:26-27).
“Bởi vì những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về thánh linh, Lời lành của Thiên Chúa, và năng lực của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường.” (Hê-bơ-rơ 6:4).
Sự trang sức thánh bên ngoài còn liên quan đến việc giữ gìn vệ sinh thân thể mỗi ngày, bao gồm việc thường xuyên tắm gội thân thể, và giặt giũ quần áo. Có những người xưng nhận là con dân Chúa nhưng đi đến đâu thì người ta lánh xa đến đó, vì không thường tắm gội, giặt giũ, để cho thân thể hôi hám, áo quần bẩn thỉu và cẩu thả. Thân thể chúng ta là Đền Thờ Thiên Chúa có Đức Thánh Linh đang ngự bên trong.
“Anh em chẳng biết mình là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong anh em sao?” (I Cô-rinh-tô 3:16).
“Anh em chẳng biết rằng thân thể mình là Đền Thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Thiên Chúa, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Bởi vì anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình đã thuộc về Đức Chúa Trời mà làm vinh hiển Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:19-20).
Là Cơ-đốc Nhân, chúng ta là Thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, cho nên, mỗi người phải biết giữ thân mình cho thánh sạch và tôn trọng, làm sáng danh Chúa, chứ không phải nộp chi thể mình cho tội lỗi, dùng thân thể mình làm đồ dùng gian ác để quảng cáo và phổ biến nếp sống trụy lạc, say mê thần tượng của thế gian!
“Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì Ta là thánh.” (I Phi-e-rơ 1:15-16).
“Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Chúa. Hãy coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng.” (Hê-bơ-rơ 12:14-15).
Chúng ta cần phải mặc trang sức thánh cho con người bên trong lẫn bên ngoài của chúng ta, theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh.
“Hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần tâm thần, lại lấy sự kính sợ Thiên Chúa mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta.” (II Cô-rinh-tô 7:1).
“Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để kinh nghiệm ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thế nào.” (Rô-ma 12:1-2).
Cầu xin Đức Thánh Linh luôn dùng lẽ thật của Lời Chúa để nhắc nhở chúng ta! Mọi sự chúng ta đều có phép làm miễn là có ích lợi, nhất là ích lợi cho người khác, làm gương tốt, làm tôn vinh danh Chúa, và được làm trong danh Chúa (I Cô-rinh-tô 10:23-24; 31). Những gì nghi ngờ thì chúng ta không làm (Rô-ma 14:23). Những gì tựa như điều ác thì chúng ta phải tránh (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:22).
Kính thưa quý con dân Chúa.
Đức Chúa Jêsus Christ, vì tội lỗi của chúng ta, đã chết trên đồi xưa. Vậy, chúng ta lấy gì để đền đáp về các ơn lành mà Ngài đã làm ra cho chúng ta trong cuộc sống? Thế thì, chúng ta cũng nên vì Chúa mà quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương. Hãy sống cho Chúa bằng tất cả tấm lòng, từ trong trái tim của mình.
Nguyện xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyện xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta! A-men!
Huỳnh Christian Priscilla (Mỹ Linh)
02/09/2014