Nước Trời (01): Sự rao giảng

4,482 views

Nhấp vào nút play ► để nghe


Sự rao giảng Tin Lành về Nước Trời

Hình ảnh một người nông dân đeo túi đựng hạt giống bên mình, đi tới, đi lui trên một cánh đồng đã được cày, xới, nương theo chiều gió, vung tay gieo giống là một hình ảnh rất quen thuộc với người dân vùng Ca-na-an. Ngay cả các chi tiết về hạt giống rơi trên lối đi, hạt giống rơi trên vùng đất có sỏi đá, hoặc hạt giống rơi vào vùng đất có nhiều bụi gai cũng là những chi tiết quen thuộc. Người nông dân muốn gieo cho đến tận bìa thửa ruộng thì phải vung tay sao cho hạt giống rơi quá tầm một chút, và như thế, phải có những hạt giống rơi trên bờ ruộng và cũng là lối đi. Ruộng đất miền Ca-na-an thường lẫn lộn nhiều sỏi đá, dù người nông dân đã cất công thu nhặt sỏi đá gom lại thành từng đống, nhưng có nhiều tảng đá lớn khó di chuyển thì đành phải để nguyên tại chỗ. Trong khi cày, xới, đất thịt có thể phủ lên những tảng đá này và nếu có hạt giống nào rơi trên đó thì cũng có thể mọc lên, nhưng không chịu nỗi sức nóng của mặt trời vì không thể bám rễ sâu để hút chất nước trong đất. Cũng có những chỗ đất có nhiều hạt giống gai lẫn lộn, khi cày, xới và gieo giống thì không thấy gai nhưng sau đó thì những hạt giống gai nứt mầm, lớn lên, lấn át những hạt giống lúa. Đức Chúa Jesus đã mượn hình ảnh quen thuộc và sinh động của một người đi ra gieo giống, để nói lên phương diện tích cực của sự rao giảng Tin Lành về Nước Trời, mà chính Ngài và các sứ đồ đang thực hiện.

Người gieo giống chính là người rao giảng Tin Lành về Nước Trời. Trước khi gieo giống thì người nông dân phải dọn đất bằng cách làm cỏ, nhặt sỏi đá, và cày, xới đất. Trước khi Đức Chúa Jesus rao giảng Tin Lành thì Giăng Báp-tít đã được sai đến để dọn lòng dân Do-thái. Ngày nay, trước khi một người đi ra rao giảng Tin Lành cũng cần có sự chuẩn bị qua sự cầu thay cho những người mà mình sẽ rao giảng. Sự cầu thay bao gồm: xin Chúa thương xót tha thứ các tội lỗi của họ, xin Chúa mở lòng, mở trí của họ để họ nghe và hiểu được lẽ thật về sự cứu rỗi, xin Chúa cất đi những ảnh hưởng của ma quỷ trên họ để họ được tự do nghe đạo và tự do tiếp nhận đạo.

Mỗi tín nhân của Đấng Christ là một người rao giảng Tin Lành cho những người chưa biết Chúa:

“Như Cha đã sai Con trong thế gian, thì Con cũng sai họ trong thế gian.” (Giăng 17:18)

“Đức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28:18-20)

Người rao giảng Tin Lành là người gieo sự sống. Sự sống đây là sự sống đời đời, sự sống của chính Đức Chúa Trời. Trong nguyên tác, Ma-thi-ơ 13:9 gọi hạt giống là “Lời của Nước Trời.” Nước Trời không được xây dựng bằng vũ lực, bằng những thủ thuật tâm lý, nhưng bởi sự gieo ra “Lời của Nước Trời.” Lời này được gieo vào trong tấm lòng của mỗi một tội nhân và mỗi một tội nhân phải tự mình quyết định thái độ đáp ứng với “Lời của Nước Trời.”

Hạt giống là đạo của Chúa, tức là lẽ thật về Tin Lành cứu rỗi của Chúa:

1. Mọi người đều đã phạm tội và hậu quả của tội lỗi là sự chết đời đời trong hỏa ngục:

“Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 3:23)

“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết.” (Rô-ma 6:23)

“Ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó.” (Giăng 3:36)

“Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền phép Ngài.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9)

“Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghét, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng, và phàm kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: đó là sự chết thứ hai.” (Khải Huyền 21:8)

2. Đức Chúa Trời yêu thương mọi tội nhân và muốn cho mọi người được cứu rỗi, được hiểu biết lẽ thật, được sống đời đời với Ngài trong phước hạnh:

“Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. (Giăng 3:16)

“Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.” (I Ti-mô-thê 2:4)

“Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài.” (Giăng 1:12)

3. Sự cứu rỗi loài người ra khỏi tội lỗi, ra khỏi sự chết đời đời trong hỏa ngục, chỉ có trong Đức Chúa Jesus Christ:

“Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12)

“Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội. Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành. Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.” (Rô-ma 5:6-8)

“Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung Bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, là người; Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người.” (I Ti-mô-thê 2:5, 6)

Tiềm năng của hạt giống là sức kết quả gấp 30, gấp 60, hoặc gấp 100 lần hơn. Tiềm năng của đạo Chúa là “quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” và ban cho những ai tin “quyền phép để trở nên con cái của Đức Chúa Trời,” là một “sự sống dư dật”“tràn ra cho đến đời đời.” Tiềm năng là điều không nhìn thấy nhưng có thực và khi đến thời điểm thì phát huy:

“Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin…” (Rô-ma 1:16)

“Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài.” (Giăng 1:12)

“Ta là cái cửa: nếu ai bởi ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi; họ sẽ vào ra và gặp đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt; còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật.” (Giăng 10:9, 10)

“Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi; nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời.” (Giăng 4:13, 14)

“Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Thánh Kinh đã chép vậy.” (Giăng 7:38)

Đất nhận hạt giống là tấm lòng của người nghe đạo. Cho dù thuộc bất kỳ loại đất nào, hạt giống vẫn được gieo ra trên vùng đất đó:

“Song tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài làm cho chúng tôi được thắng trong Đấng Christ luôn luôn, và bởi chúng tôi, Ngài rải mùi thơm về sự nhận biết Ngài khắp chốn! Vì chúng tôi ở trước mặt Đức Chúa Trời là mùi thơm của Đấng Christ, ở giữa kẻ được cứu, và ở giữa kẻ bị hư mất; cho kẻ nầy, mùi của sự chết làm cho chết; cho kẻ kia, mùi của sự sống làm cho sống. Ai xứng đáng cho những sự nầy? Vả, chúng tôi chẳng giả mạo lời của Đức Chúa Trời như nhiều kẻ khác; nhưng chúng tôi lấy lòng chân thật, theo như đạo từ Đức Chúa Trời đến thể nào, thì giảng ra thể ấy trước mặt Đức Chúa Trời, trong Đấng Christ.” (II Cô-rinh-tô 2:14-17)

Thái độ đáp ứng của người nghe đạo

Mặc dù ngụ ngôn nói đến thành quả thu hoạch được trên vùng đất tốt, nhưng mục đích của ngụ ngôn không phải nhấn mạnh về thành quả, mà là sự gieo giống và phản ứng của bốn vùng đất khác nhau, để minh họa cho sự giảng đạo và phản ứng của bốn loại người sau khi nghe đạo:

“Người gieo giống ấy là gieo đạo. Những kẻ ở dọc đường là kẻ đã chịu đạo gieo nơi mình; nhưng vừa mới nghe đạo, tức thì quỷ Sa-tan đến, cướp lấy đạo đã gieo trong lòng họ đi. Cũng vậy, những người chịu giống gieo nơi đất đá sỏi, là những kẻ nghe đạo, liền vui mừng chịu lấy; song vì trong lòng họ không có rễ, chỉ tạm thời mà thôi, nên nỗi gặp khi vì cớ đạo mà xảy ra sự cực khổ, bắt bớ, thì liền vấp phạm. Còn những kẻ chịu giống gieo nơi bụi gai, là kẻ đã nghe đạo; song sự lo lắng về đời nầy, sự mê đắm về giàu sang, và các sự tham muốn khác thấu vào lòng họ, làm cho nghẹt ngòi đạo, và trở nên không trái. Nhưng, những người chịu giống gieo vào nơi đất tốt, là kẻ nghe đạo, chịu lấy và kết quả, một hột ra ba chục, hột khác sáu chục, hột khác một trăm.” (Mác 4:14-20)

Bốn loại đất tiêu biểu cho những tấm lòng của bốn loại người nghe đạo. Thánh Kinh cho biết:

“Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9)

“Vì thật là tự bên trong, tự lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người, tà dâm, tham lam, hung ác, gian dối, hoang đàng, con mắt ganh đố, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng. Hết thảy những điều xấu ấy ra từ trong lòng thì làm cho dơ dáy người.” (Mác 7:21-23)

Vì thế, Lời của Nước Trời: “Hãy ăn năn!” cần được gieo vào lòng người. Đạo của Chúa có được rao giảng thì tội nhân mới được nghe và mới có thể tin nhận Ngài. Rô-ma 10:17 khẳng định:

“Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng.”

Loại người không bao giờ tin nhận đạo. Đất của lối đi trên bờ ruộng chai cứng, cho dù chim trời không đáp xuống để ăn mất hạt giống, thì hạt giống cũng không thể mọc lên trên vùng đất chai cứng. Đây là hình ảnh những tấm lòng đã trở nên chai cứng vì tội lỗi, là những người:

1. Hoặc quá kiêu ngạo thuộc linh, tự cho rằng mình thánh thiện, đạo đức hơn người, đôi khi tự phong mình làm thánh sống, phật sống, giáo chủ, hoặc ít ra cũng là thượng tọa, đại đức, thầy, cha, đức ông, bậc đáng tôn kính (reverend)… cho nên không bao giờ chấp nhận lời kêu gọi: Hãy ăn năn! Vì Nước Trời đã đến gần. Những người này chẳng những không vào Nước Trời mà còn chận đường người khác, dẫn dắt người khác đi sai lạc, trở thành người địa ngục gấp hai họ:

“Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi đóng nước thiên đàng trước mặt người ta; các ngươi không vào đó bao giờ, mà có ai muốn vào, thì lại ngăn trở. Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi làm bộ đọc lời cầu nguyện cho dài mà nuốt nhà đờn bà góa; vì cớ đó, các ngươi sẽ bị đoán phạt nặng hơn. Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi đi khắp dưới nước trên bộ để khuyên một người vào đạo mình; và khi đã khuyên được rồi, thì các ngươi làm cho họ trở nên người địa ngục gấp hai các ngươi.” (Ma-thi-ơ 23:13-15)

2. Hoặc chấp nhận sống trong tội lỗi, cho dù có phải bị Đức Chúa Trời trừng phạt:

“Tại họ không lo nhìn biết Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời đã phó họ theo lòng hư xấu, đặng phạm những sự chẳng xứng đáng. Họ đầy dẫy mọi sự không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ; chan chứa những điều ghen ghét, giết người, cãi lẫy, dối trá, giận dữ; hay mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ; dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót. Dầu họ biết mạng lịnh Đức Chúa Trời tỏ ra những người phạm các tội dường ấy là đáng chết, thế mà chẳng những họ tự làm thôi đâu, lại còn ưng thuận cho kẻ khác phạm các điều ấy nữa.” (Rô-ma 1:28-32)

Thánh Kinh cho biết, không phải tất cả mọi người đều tin nhận Đạo Chúa:

“Nhưng chẳng phải mọi người đều nghe theo tin lành đâu…” (Rô-ma 10:16)

“Nếu Tin Lành của chúng tôi còn che khuất, là chỉ che khuất cho những kẻ hư mất, cho những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin Lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời.” (II Cô-rinh-tô 4:3, 4)

Loại người tin nhận đạo và chỉ giữ đạo khi cuộc sống được bình yên. Hạt giống rơi xuống vùng sỏi đá được bao phủ bằng một lớp đất thịt cũng có thể mọc lên nhưng không thể tồn tại trước sức nóng của mặt trời. Cây cối cần hơi nóng và ánh sáng của mặt trời để phát triển, nhưng nếu không thể bám rễ sâu vào lòng đất để hút đủ chất nước, thì sẽ bị chết khô. Đây là hình ảnh những tấm lòng mà sự ưa chuộng được “an cư, lạc nghiệp” đã làm cho chai cứng. Trên bề mặt cứng cõi đó được phủ bằng một lớp đất thịt của tinh thần ưa chuộng công lý, đạo đức, thánh thiện… Những người này chỉ có thể đạo đức và thánh thiện khi có cơm ăn, quần áo mặt, nhà ở và các nhu cầu tiện nghi của đời sống. Họ không ham mến giàu sang hay sự nỗi tiếng. Họ chỉ muốn đủ ăn, đủ mặc, sống yên ổn, tiện nghi. Ngày nào vì tin đạo mà bị bắt bớ, cực khổ thì ngày đó họ sẵn sàng bội đạo để được bình yên. Đối với những người thuộc loại này, Chúa khuyên họ như sau:

“Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục.” (Ma-thi-ơ 10:28)

“Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.” (I Cô-rinh-tô 10:13)

Loại người tin nhận đạo nhưng quá lo lắng về các nhu cầu trong đời sống hoặc quá ham mến của cải vật chất, tiền bạc. Khi người nông dân dọn ruộng, đương nhiên gai gốc và cỏ dại sẽ được bứng sạch và đốt đi. Tuy nhiên, có những hạt giống gai đã rụng xuống đất và được cày, xới lẫn vào đất thì sẽ cùng lúc mọc lên với lúa. Gai gốc và cỏ dại lúc nào cũng có sức sống mãnh liệt và tăng trưởng nhanh chóng. Dù hạt giống lúa có thể mọc lên trên vùng đất có gai nhưng chẳng thể nào kết quả vì bị gai gốc choán ép. Đây là hình ảnh những tấm lòng quá lo lắng về nhu cầu vật chất hoặc quá ham mến của cải, tiền bạc khiến cho đức tin không thể nào kết quả. Họ là những người tưởng đang sống mà đã chết. Họ là số đông trong Hội Thánh của Chúa. Có khi cả Hội Thánh địa phương là loại người này như Hội Thánh Lao-đi-xê được mô tả trong Khải Huyền 3:14-20. Lời Chúa cảnh cáo:

“Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, sự mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra. Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.” (I Giăng 2:15-17)

“Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn.” (I Ti-mô-thê 6:6-10)

“Hãy răn bảo kẻ giàu ở thế gian nầy đừng kiêu ngạo và đừng để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn, nhưng hãy để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng. Hãy răn bảo họ làm điều lành, làm nhiều việc phước đức, kíp ban phát và phân chia của mình có, vậy thì dồn chứa về ngày sau một cái nền tốt và bền vững cho mình, để được cầm lấy sự sống thật.” (I Ti-mô-thê 6:17-19)

“Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta.” (Lu-ca 14:33)

Loại người tin nhận đạo và kết quả xứng đáng với đức tin. Vùng đất tốt được cày xới, vun bón, không có sỏi đá lẫn lộn, không có gai gốc, hay cỏ dại là vùng đất lý tưởng cho hạt giống được gieo ra. Dù không có sỏi đá hay gai gốc cản trở sự phát triển nhưng cây lúa không thể phát triển nếu không có ánh sáng và hơi nóng của mặt trời. Nói cách khác, một người hết lòng tin nhận Đạo Chúa vẫn cần những thử thách trong cuộc sống để phát triển đức tin cho đến mức kết quả đầy trọn. Đây là hình ảnh của những “đầy tớ ngay lành và trung tín” (Ma-thi-ơ 25:21, 23), của những người “chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ” (I Ti-mô-thê 2:3), là những người có thể đồng thanh với Phi-e-rơ: “Nầy, chúng tôi đã bỏ hết mà đi theo thầy” (Mác 10:28), và đồng thanh với Phao-lô: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20)

Đó là những người “Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ” (Hê-bơ-rơ 11:6)

Trong thời đại Hội Thánh (từ khi Hội Thánh được thành lập cho đến khi Đức Chúa Jesus trở lại đem Hội Thánh ra khỏi thế gian) những người như vậy không có nhiều. Chính Đức Chúa Jesus đã phán rằng:

“Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.” (Ma-thi-ơ 7:14) 

Kết luận

Đức Chúa Trời muốn cho mỗi tội nhân được cứu khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi là sự chết đời đời trong hỏa ngục. Ngài đã sai Con Một của Ngài nhập thế làm người là Đức Chúa Jesus Christ để chịu chết thay cho nhân loại. Bất kỳ ai có lòng ăn năn tội lỗi và tin nhận Đức Chúa Jesus Christ thì sẽ được tha tội, được sự sống đời đời. Đó là ý nghĩa của Tin Lành về Nước Trời. Tin Lành đó cần được rao giảng cho mọi dân tộc.

Mỗi người tin nhận Chúa đều được Chúa sai đi rao giảng Tin Lành. Sẽ có nhiều người nghe giảng nhưng không tin nhận đạo Chúa; sẽ có nhiều người tin nhận nhưng rồi về sau bội đạo; nhưng cũng sẽ có những người chân thành tin nhận và kết quả xứng đáng với đức tin.

Chúng ta không thể biết trước ai là người không tin đạo, ai là người sẽ bội đạo, và ai là người tin đạo có kết quả. Tuy nhiên, bổn phận của chúng ta là những người được Chúa sai đi gieo giống đạo, gieo “Lời của Nước Trời,” chúng ta hãy trung tín và ngay lành rao giảng đạo của Chúa cho tới khi Ngài đến:

“Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.” (I Cô-rinh-tô 11:26)

Đối diện với những gian nan, thử thách, bắt bớ… chúng ta hãy dùng lời Chúa mà khích lệ và an ủi nhau:

“Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt.” (Ga-la-ti 6:9)

Huỳnh Christian Timothy
07/10/2007