Lấy Danh Chúa Làm Ra Vô Ích

4,104 views

Lấy Danh Chúa Làm Ra Vô Ích

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

MediaFire:https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

“Ngươi sẽ không lấy danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi mà làm ra vô ích, vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chẳng kể vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm ra vô ích.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:7).

Các chữ “làm ra vô ích” trong nguyên tác của Thánh Kinh có nghĩa là: làm cho trở thành vô dụng, làm cho bị hủy hoại, làm cho trở thành dối trá, dùng để lường gạt. Như vậy, chúng ta có thể diễn ý điều răn thứ ba như sau:

“Ngươi sẽ không làm cho danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi trở thành vô dụng! Ngươi sẽ không làm cho danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi bị hủy hoại! Ngươi sẽ không làm cho danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi trở thành dối trá! Ngươi sẽ không làm cho danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi trở thành phương tiện để lường gạt!”

Trong đời sống của tín đồ, có nhiều lúc chúng ta phạm tội với Chúa mà chúng ta không biết. Như trường hợp dân I-sơ-ra-ên, cả nước ăn trộm Thiên Chúa qua sự không dâng hiến, mà không biết:

“Người ta có thể trộm cướp Thiên Chúa sao? Mà các ngươi trộm cướp Ta. Các ngươi nói rằng: Chúng tôi trộm cướp Chúa ở đâu? Các ngươi đã trộm cướp trong các phần mười và trong các của dâng. Các ngươi bị rủa sả, vì các ngươi, cả nước, đều trộm cướp của Ta.” (Ma-la-chi 3:8-9).

Tương tự như vậy, chúng ta có thể phạm vào điều răn thứ ba mỗi ngày trong đời sống mà chúng ta không biết!

I. Lấy danh Chúa làm ra vô ích trong sự thề

Thề là một đặc điểm trong quan hệ xã hội giữa loài người với nhau, giữa loài người với thần tượng, và giữa loài người với Thiên Chúa. Thề là hứa một cách nghiêm trọng với lòng chân thật rằng mình sẽ làm hay sẽ không làm một điều gì, hoặc tuyên bố một cách nghiêm trọng với lòng chân thật rằng mình đã làm hay không hề làm một điều gì. Để chứng tỏ sự nghiêm trọng và chân thành của một lời thề, người ta thường nhân danh một bậc cao trọng hơn mình để thề. Thánh Kinh ghi lại nhiều lời thề nhân danh Thiên Chúa. Lời thề đầu tiên giữa loài người với nhau được ghi lại trong Thánh Kinh là lời thề của Áp-ra-ham với vua Sô-đôm (Sáng Thế Ký 14). Vua Sô-đôm bị thất trận, nhờ Áp-ra-ham giải cứu và thu về các tài vật đã bị quân giặc cướp đi. Để tỏ lòng cảm kích, vua Sô-đôm giao nộp hết các tài vật thu về được cho Áp-ra-ham, nhưng Áp-ra-ham đã khẳng khái từ chối và nhân danh Thiên Chúa để tuyên bố rằng ông sẽ không lấy bất kỳ một món vật nào của vua Sô-đôm:

“Áp-ram nói với vua của Sô-đôm: Ta giơ tay lên Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Chí Cao, Chúa Tể của trời và đất. Ta sẽ không lấy dù một sợi chỉ hay là một sợi dây giày đi nữa. Ta sẽ không lấy bất cứ vật gì của ngươi; kẻo ngươi nói được rằng: Ta đã làm cho Áp-ram giàu có.” (Sáng Thế Ký 14:22-23).

Trong một trường hợp khác, Vua A-bi-mê-léc thấy Thiên Chúa ở cùng Áp-ra-ham nên kiêng sợ và đòi Áp-ra-ham nhân danh Thiên Chúa để thề rằng Áp-ra-ham sẽ không gạt vua và dòng giống của vua:

“Vậy bây giờ, hãy chỉ danh Thiên Chúa mà thề rằng: Ngươi sẽ chẳng gạt ta, con ta cùng dòng giống ta. Nhưng ngươi sẽ đãi ta và xứ ngươi đang trú ngụ, một lòng tử tế như ta đã đãi ngươi vậy. Áp-ra-ham đáp rằng: Tôi xin thề.” (Sáng Thế Ký 21:23-24).

Sự nhân danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu để thề được chính Ngài cho phép. Trường hợp điển hình được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 22:10-11:

“Nếu như người nào giao lừa, bò, chiên, hoặc súc vật nào khác cho kẻ lân cận mình giữ và bị chết, gãy một giò hay là bị đuổi đi, không ai thấy, thì hai bên phải lấy danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà thề, để cho biết rằng người giữ súc vật có đặt tay trên tài vật của kẻ lân cận mình chăng. Người chủ con vật phải nhận lời thề, và người kia chẳng bồi thường.”

Nhưng Chúa cũng cảnh cáo:

“Các ngươi chớ dùng danh Ta mà thề dối, vì ngươi làm ô danh của Thiên Chúa mình: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Lê-vi Ký 19:12).

Chính Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cũng nhân danh của Ngài khi thề ban phước cho Áp-ra-ham:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán rằng: Vì ngươi đã làm điều đó, không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, Ta lấy chính mình Ta mà thề rằng: Chắc chắn, ban phước, Ta sẽ ban phước cho ngươi, và thêm lên, Ta sẽ thêm lên dòng dõi của ngươi nhiều như những sao trời và như cát trên bờ biển. Dòng dõi của ngươi sẽ chiếm được cửa thành của những kẻ thù. Bởi vì ngươi đã vâng theo tiếng của Ta, trong dòng dõi của ngươi, các dân tộc trên đất đều sẽ được phước.” (Sáng Thế Ký 22:16-18).

Ngài chỉ sự hằng sống của Ngài khi thề đoán phạt dân I-sơ-ra-ên:

“Hãy nói với chúng, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán rằng: Ta hằng sống! Theo như các ngươi đã nói trong tai Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi như vậy.” (Dân Số Ký 14:28).

Thánh Kinh giải thích về sự Thiên Chúa nhân danh chính Ngài mà thề như sau:

“Khi Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham, vì không có Đấng vĩ đại hơn Ngài để thề, Ngài đã thề bởi chính Ngài.” (Hê-bơ-rơ 6:13).

Khi một người nhân danh Chúa để thề mà không giữ trọn lời thề của mình thì người ấy đã lấy danh Chúa mà làm ra vô ích. Ngày chúng ta tin nhận Chúa, ngày chúng ta chịu phép báp-tem, và mỗi khi chúng ta dự Tiệc Thánh, là chúng ta đã nhân danh Chúa mà thề dâng hiến lòng mình cho Chúa, dâng hiến đời sống mình cho Chúa, tuyên bố chịu chết đi con người cũ và sống lại một con người mới trong Chúa, hứa sẽ rao truyền sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến. Vì thế, khi chúng ta để cho bất cứ một điều gì làm chủ lòng mình thay vì Chúa, từ sự ham mến vật chất của thế gian, sự yêu chuộng một người nào, cho đến sự kiêu ngạo… là chúng ta đã lấy danh Chúa làm ra vô ích. Vì thế, khi chúng ta hành xử theo bản tính cũ thuộc về xác thịt: tà dâm, ganh ghét, hận thù, tham lam, dối trá, kiêu ngạo, xấc xược, bất kính hoặc không chăm sóc cha mẹ, không thương xót, mê ăn uống… là chúng ta đã lấy danh Chúa làm ra vô ích. Vì thế, khi chúng ta không rao truyền sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến, nghĩa là không rao giảng Tin Lành của Chúa là chúng ta đã lấy danh Chúa làm ra vô ích.

Vì “thề” có nghĩa là hứa hoặc công bố, cho nên khi chúng ta hứa hoặc công bố trong danh Chúa là chúng ta đã nhân danh Chúa để thề. Chúng ta làm phép báp-tem trong danh Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta dự Tiệc Thánh trong danh Đấng Christ. Nếu chúng ta không sống đúng với lời hứa hoặc lời công bố trong danh Chúa, là chúng ta đã lấy danh Chúa làm ra vô ích. Nói cách khác, một tín đồ sống trong tội lỗi là một tín đồ đang lấy danh Chúa làm ra vô ích.

II. Lấy danh Chúa làm ra vô ích trong sự đùa giỡn, rủa sả, vô cớ gọi danh Chúa

Có nhiều người, kể cả những người trong hàng ngũ lãnh đạo Hội Thánh, đặc biệt là những người làm mục vụ qua các phương tiện truyền thông như sách, báo, phim, ảnh… đã đem danh Chúa, đem các chức vụ thánh Chúa đặt ra trong Hội Thánh như chức vụ chăn bầy, chức vụ truyền giáo…, hoặc đem cả Lời Chúa ra để làm trò mua vui mà không biết rằng mình đang phạm vào điều răn thứ ba.

Có người đặt ra những câu chuyện vui, trong đó kể rằng Chúa phán thế này, Chúa phán thế nọ… đặt những câu nói tếu cho Chúa mà không biết mình đang phạm tội bất kính. Có người đem các danh từ riêng trong Thánh Kinh ra đọc trại đi, thành những âm thanh ngờ nghệch để cười chơi. Có người quen miệng dùng danh Chúa trong những câu rủa sả, mắng nhiếc. Và, có người luôn miệng kêu danh Chúa một cách vô cớ, mà chúng ta thường nói là thói quen mở miệng kêu Trời!

III. Lấy danh Chúa làm ra vô ích  trong sự cầu nguyện, thờ phượng, rao giảng chiếu lệ

Một hình thức lấy danh Chúa làm ra vô ích mà hầu hết các Cơ-đốc nhân đều vấp phạm, đó là trong khi cầu nguyện, trong khi rao giảng, trong khi thờ phượng Chúa… miệng nói đến danh Chúa, hoặc trực tiếp thưa chuyện với Chúa mà lòng thì không hề nghĩ đến Chúa.

Họ cầu nguyện như cái máy, cầu nguyện chiếu lệ, hoặc cố vận dụng những ngôn từ hoa mỹ cho người khác nghe và thán phục sự cầu nguyện của họ chứ không phải đang chân thành thưa chuyện với Chúa.

Họ làm chứng, rao giảng về Chúa nhưng lòng họ đang tìm cách phô trương kiến thức, tài hùng biện của mình mong người nghe thán phục, hoặc họ đang nghĩ đến những điều khác, chỉ mong sao cho xong việc, hết trách nhiệm.

Họ đến dự nhóm họp thờ phượng Chúa, miệng hát thánh ca, đọc Thánh Kinh nhưng chỉ là một thói quen chiếu lệ, không có sự rung cảm từ đáy lòng trước tình yêu và sự oai nghiêm, thánh khiết của Chúa. Vì thế, ngay trong giờ thờ phượng, họ xì xào bàn tán chuyện làm ăn, mua bán, chơi hụi… thậm chí, còn có người cắt móng tay, móng chân!

IV. Lấy danh Chúa làm ra vô ích trong sự mưu lợi bất chính

Ngày nay, nhiều người mượn danh Chúa để tạo dựng địa vị, danh tiếng, tài sản cho bản thân, hoặc cho gia đình và dòng họ của mình. Hầu việc Chúa, đối với họ trở thành một nghề nghiệp chuyên môn. Một người có thể chọn lựa đến quản nhiệm một Hội Thánh dựa trên những quyền lợi vật chất mà Hội Thánh có thể cung cấp cho mình, chứ không dựa trên tiếng gọi của Chúa. Ưu tiên số một dường như luôn luôn thuộc về những Hội Thánh đông tín đồ, trả lương cao cho người chăn. Nhìn chung, nhiều bầy chiên bé nhỏ, nghèo vật chất không có người đến chăn nhưng nhiều Hội Thánh có đến bốn năm người chăn. Khi nói đến sự khan hiếm người chăn, chúng ta phải hiểu rằng, không phải khan hiếm những người mang danh là người chăn, mà là khan hiếm những người chăn thật sự bước vào chức vụ vì: “yêu Chúa hơn tất cả mọi sự” và được Chúa giao cho công tác “Hãy chăn chiên Ta!”

Nói đến việc lấy danh Chúa để mưu lợi bất chính thì không thể không nói đến những tay lường gạt nổi tiếng trên truyền hình. Ngày 23/03/2007 vừa qua, đài truyền hình ABC tại Hoa Kỳ, trong chương trình 20/20 đã nêu lên sự lạm dụng tiền bạc của những người được gọi là các nhà “truyền giáo Ti Vi”. Mỗi nhà “truyền giáo Ti Vi” này sống giàu sang nhung lụa trên số tiền dâng hiến, đóng góp của những người nhẹ dạ.

Kết luận

Một ngày kia, Đức Chúa Trời sẽ phán xét một cách công chính tất cả những sự “lấy danh Chúa làm ra vô ích”. Vì:

“…Thiên Chúa không chịu bị khinh dể đâu…” (Ga-la-ti 6:7).

“Nhưng Ta bảo các ngươi rằng, mỗi lời nói vô ích nào nếu loài người sẽ nói thì họ sẽ khai trình về chúng trong ngày phán xét. Vì bởi những lời nói của ngươi mà ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi những lời nói của ngươi mà ngươi sẽ bị án phạt.” (Ma-thi-ơ 12:36-37).

Nguyện Đức Thánh Linh luôn nhắc nhở để chúng ta đừng phạm tội “lấy danh Chúa làm ra vô ích”, và luôn cáo trách khi chúng ta lỡ vấp phạm để chúng ta biết mà ăn năn.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla