Khát Vọng Đầu Năm

2,885 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

MediaFire:https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive:https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

“Như con nai cái mong chờ bên khe nước, thì cũng vậy, linh hồn tôi hướng về Thiên Chúa! Linh hồn tôi khao khát Thiên Chúa, là Thiên Chúa Hằng Sống! Khi nào tôi sẽ đến và sẽ nhìn thấy mặt Thiên Chúa?” (Thi Thiên 42:1-2).

Chúng ta đang bước vào những ngày đầu của một năm mới. Trong quan niệm thông thường, năm mới mở đầu cho một thời điểm mới và một cơ hội mới để mỗi người có thể tái định hướng mục đích và các mục tiêu trong đời sống. Mục đích trong đời sống là điểm đến cuối cùng của cuộc đời, trong khi mục tiêu là những điểm nhắm giúp cho chúng ta định hướng và đạt được mục đích.

Là những tín đồ của Đấng Christ, chúng ta biết Đấng Christ là mục đích của đời sống mình như Hê-bơ-rơ 12:2 đã dạy:

“Hãy nhìn vào Đức Chúa Jesus, Đấng Dẫn Đầu và Đấng Kết Thúc của đức tin, Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước Ngài mà chịu đựng thập tự giá, xem thường sự sỉ nhục, và được ngồi bên phải ngai của Đức Chúa Trời.”

Cuộc đời của chúng ta nếu có Đấng Christ là mục đích và lẽ thật của Thánh Kinh là những mục tiêu, thì chắc chắn chúng ta sẽ “không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).

Tuy nhiên, cho dù chúng ta có đúng mục đích và đúng mục tiêu mà chúng ta không nhiệt tình “bỏ đi mọi gánh nặng và tội lỗi bao vây chúng ta. Với sự nhẫn nại, chúng ta hãy chạy cuộc đua được bày ra trước chúng ta” (Hê-bơ-rơ 12:1b) thì đời sống của chúng ta không thể nào kinh nghiệm được “có sự sống và có cách sung mãn” (Giăng 10:10) mà Đấng Christ đã hứa ban cho chiên của Ngài.

Muốn có nhiệt tình để tham dự cuộc chạy đua trong đời sống thuộc linh, chúng ta cần phải có khát vọng về Chúa. Trong tuần lễ đầu năm mới này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu sự khao khát Chúa qua Thi Thiên 42:1-2.

I. Nguyên cớ của khát vọng

Chữ “mong chờ” và “hướng về” trong câu “Như con nai cái mong chờ bên khe nước, thì cũng vậy, linh hồn tôi hướng về Thiên Chúa!” trong nguyên tác của Thánh Kinh đều là cùng một chữ, và có nghĩa là “kêu van, mong đợi”.

Khát vọng trong tiếng Hán Việt có nghĩa là thèm muốn và mong ngóng. Người ta có thể thèm muốn nhưng không mong ngóng. Một người có thể thèm ăn cơm vì đã chán ăn hăm-bơ-gơ; sự thèm ăn cơm đó phát xuất từ sở thích, có thì tốt, không có cũng không sao. Nhưng đối với một người tù bị bỏ đói trong trại cải tạo thì sự thèm ăn của anh ta là một khát vọng; khi thèm ăn vì bị bỏ đói thì bất kỳ thức ăn nào cũng trở thành tuyệt vời và cần thiết. Nhu cầu phát sinh ra khát vọng.

Trước hết, Thiên Chúa là nhu cầu của chúng ta. Chúng ta không chỉ ưa thích, yêu mến Chúa mà chúng ta còn cần có Chúa. Chúa đối với chúng ta quan trọng và cần thiết như dòng nước mát trong khe đối với một con nai cái đang thiếu nước. Hình ảnh con nai cái được dùng ở đây có một ý nghĩa hết sức sinh động. Khi nai cái có mang, thường vào mùa khô, nước trở nên khan hiếm mà cơ thể của nó thì cần rất nhiều nước trong khi đang mang thai. Bình thường nai cái không cần phải ở quanh quẩn ở những nơi có nước, nhưng khi có mang, nai cái chọn ở gần bên cạnh chỗ khe nước trong lành, tươi mát để lúc nào cũng được xoa dịu cơn khát.

Tác giả Thi Thiên 42 tự ví sự thèm khát Chúa của mình như sự thèm khát khe nước của một con nai cái vì ông muốn nói lên rằng, Chúa là sự sống của ông, ông thèm khát Chúa, nguồn của sự sống, và ông muốn được ở gần bên Chúa, vì ông không thể thiếu Chúa.

Về mặt cuộc sống vật chất, chúng ta có thể có nhiều khát vọng khác nhau về vật chất trong cuộc đời này. Nhưng về mặt cuộc sống tâm linh, chúng ta chỉ có một khát vọng duy nhất mà thôi, đó là khát vọng về Thiên Chúa, vì Chúa là tất cả của chúng ta! Trong Chúa chúng ta có mọi sự!

“Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì hết thảy chúng ta mà phó Con ấy cho, thì Ngài chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?” (Rô-ma 8:32).

II. Đối tượng của khát vọng

Đối tượng của sự thèm khát, mong ngóng được nêu rõ là Thiên Chúa nhưng không phải là một Thiên Chúa nào đó của bao nhiêu tôn giáo, tín ngưỡng trong thế gian này, mà là “Thiên Chúa Hằng Sống”. Thiên Chúa Hằng Sống là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng Tự Có và Còn Đến Mãi Mãi, Đấng Đời Đời, Đấng Cội Nguồn của Muôn Vật, là Đấng mà “trong Ngài, chúng ta sống, động, và thực hữu” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:28a), là Đấng mà tác giả Hê-bơ-rơ đã tuyên xưng:

“Chẳng có tạo vật nào không hiện ra trước mặt Ngài, nhưng hết thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Ngài, Đấng mà chúng ta phải thưa trình.” (Hê-bơ-rơ 4:13).

Đối tượng của khát vọng không phải là những phước hạnh Chúa ban cho chúng ta mà là chính bản thể của Chúa, là sự thánh khiết, sự công chính, và sự yêu thương của Ngài. Chúng ta thèm khát sự thánh khiết đẹp đẽ của Chúa, chúng ta thèm khát sự công chính uy nghi của Chúa, và chúng ta thèm khát sự yêu thương ngập tràn nhân từ và thương xót của Chúa. Chính vì sự thèm khát Thiên Chúa của chúng ta mà Ngài ban cho chúng ta chính mình Ngài qua “những lời hứa rất quý, rất lớn đã ban cho chúng ta, để nhờ đó các anh chị em được trở thành những người dự phần trong thần tính” (II Phi-e-rơ 1:4).

Vì đối tượng của khát vọng là Thiên Chúa nên khi tìm đến Ngài chúng ta không thể “đi tay không ra mắt Ngài”, [1]. Chúng ta phải ra mắt Chúa với lễ vật. Những lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và phải có khi chúng ta ra mắt Chúa đó là: “lòng tan nát, vỡ vụn” về tội lỗi của chúng ta, sự vâng lời của chúng ta, và sự nhân từ thương xót của chúng ta đối với những người lân cận.

“Của lễ đẹp lòng Thiên Chúa, ấy là thần trí tan nát. Thiên Chúa ôi! Lòng tan nát, vỡ vụn Ngài sẽ không khinh dể đâu.” (Thi Thiên 51:17).

“…Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo Lời phán của Ngài sao? Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.” (I Sa-mu-ên 15:22).

“Hãy đi! Các ngươi hãy học cho biết câu này nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, chẳng phải sinh tế. Vì Ta không đến để gọi những người công bình, nhưng gọi những kẻ có tội ăn năn.” (Ma-thi-ơ 9:13).

III. Chiều sâu của khát vọng

Tín đồ của các tôn giáo trong thế gian không thể nào có khát vọng về các thần tượng mà họ đang thờ lạy. Họ không có một sự tương giao nào với những thần tượng hư không vì chúng nó không có thật. Những sự thờ phượng, kêu xin của họ trước các thần tượng hư không ấy chỉ để bày tỏ những thèm khát về nhu cầu của thể xác và cuộc sống vật chất mà thôi.

Trong tâm thần của một người không có Chúa, họ chẳng nhận biết được Thiên Chúa, vì tâm thần họ đang chết. Khi kinh nghiệm được sự cứu rỗi của Chúa, tâm thần được Chúa tái sinh, thì một người mới có thể nhận biết Chúa và khao khát Chúa.

Khát vọng về Thiên Chúa, vì thế, chỉ thuộc về con dân của Chúa. Khát vọng về Thiên Chúa, vì thế, không phải là một khát vọng phát xuất từ nhu cầu của thân thể hay sự sống vật chất, mà là một nỗi khát vọng phát xuất từ nhu cầu sâu kín trong linh hồn của một người. Khát vọng về Thiên Chúa, vì thế, hoàn toàn là một khát vọng thuộc linh.

Khát vọng thuộc linh sẽ được thoả mãn một cách thuộc linh. Chính Đấng Christ đã hứa:

“…Nếu ai khát, hãy đến với Ta mà uống. Ai tin nơi Ta thì những dòng nước của sự sống sẽ chảy ra từ trong lòng của người ấy, như Thánh Kinh đã nói.” (Giăng 7:37-38).

Kết luận

Chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu một năm mới với khát vọng về Thiên Chúa. Hãy làm mới lại tình yêu thuở ban đầu chúng ta đã dành cho Chúa. Hãy dọn lòng thật sạch để nhận đầy sức sống mới dư dật từ nơi Chúa. Hãy dành thêm thời gian trong ngày để tương giao với Chúa. Hãy tìm Chúa, yêu Chúa, và nhớ Chúa trong mọi nơi, mọi lúc! Hãy chuẩn bị mọi lễ vật đẹp lòng Chúa! Hãy nôn nao, và khắc khoải thưa với Chúa rằng: Lạy Chúa! Cho đến chừng nào con mới được ra mắt Chúa?

“…Đối với những ai tìm kiếm Ngài, Ngài là Đấng Ban Thưởng.” (Hê-bơ-rơ 11:6).

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

07/01/2007

Chú thích:

[1] Xuất Ê-díp-tô Ký 23:15; 34:20; Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:16.