Dọn Mình Thánh Khiết

3,303 views

Dọn Mình Thánh Khiết

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

MediaFire:https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

“Giờ đây, các ngươi được tinh sạch bởi Lời mà Ta đã phán với các ngươi.” (Giăng 15:3).

Khi dân I-sơ-ra-ên được Thiên Chúa đem ra khỏi Ai-cập, có khoảng 600.000 người nam từ hai mươi tuổi trở lên (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:37-38; Dân Số Ký 1:46). Nếu kể thêm chi phái Lê-vi, đàn bà, trẻ con, và những phụ lão thì con số có thể lên đến từ một triệu rưỡi đến hai triệu người. Ngoài ra, họ còn mang theo vô số súc vật mà con số chắc cũng phải lên đến hàng triệu.

Hàng triệu người và súc vật cùng chung sống lẫn lộn trong điều kiện khắc nghiệt của sa mạc đòi hỏi cần phải có một chế độ vệ sinh thật là nghiêm khắc để tránh bệnh tật và sự truyền nhiễm của các chứng ôn dịch. Vì thế, ngoài Mười Điều Răn về luật đạo đức, những luật lệ về sự thờ phượng, những luật lệ về dân sự, Thiên Chúa còn ban hành các luật lệ về vệ sinh cho dân I-sơ-ra-ên. Những luật vệ sinh ấy bao gồm từ việc phân biệt các thức ăn được với các thức không ăn được, vệ sinh về việc chôn cất xác chết, vệ sinh về bệnh phong hủi, cho đến vệ sinh của phụ nữ, vệ sinh về sự sinh đẻ, và vệ sinh về việc ăn ở giữa vợ chồng với nhau… (Lê-vi Ký 11-15). Thậm chí, luật vệ sinh về việc chôn lấp phân cũng được Thiên Chúa chỉ dạy rất chi tiết cho dân I-sơ-ra-ên (Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:13).

Nhìn về phương diện xã hội học, những luật vệ sinh Thiên Chúa ban cho dân I-sơ-ra-ên là khuôn vàng thước ngọc cho tất cả mọi dân tộc, mọi nền văn hóa; là nền tảng để duy trì sự khoẻ mạnh, tồn tại, và phát triển của xã hội. Nhìn về phương diện thuộc linh, những luật vệ sinh ấy là hình bóng về sự duy trì tâm linh của một người luôn thánh khiết trong mối quan hệ giữa người ấy và Thiên Chúa. Trong phạm vi bài này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa thuộc linh của phân đoạn Xuất Ê-díp-tô Ký 30:17-21:

I. Sự dọn mình của các thầy tế lễ thời Cựu Ước

Xuất Ê-díp-tô Ký 30:17-21

17 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lại phán với Môi-se nữa rằng:

18 Ngươi hãy làm một cái chậu với chân bằng đồng, để rửa mình ở trong, rồi để giữa khoảng của hội mạc và bàn thờ, và đổ nước vào.

19 A-rôn cùng các con trai người sẽ rửa tay và chân mình ở trong.

20 Khi họ vào hội mạc sẽ lấy nước rửa mình, để cho họ khỏi chết; và khi lại gần bàn thờ để phụng sự, tức là xông của lễ dùng lửa dâng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, họ cũng phải giữ như vậy.

21 Thế thì, họ hãy rửa tay và chân, để cho khỏi chết. Ấy là một lệ đời đời cho A-rôn, cùng dòng dõi người trải qua các đời.

Năm câu Thánh Kinh trên đây ghi lại mệnh lệnh của Thiên Chúa truyền cho Môi-se về việc sắm sẵn một thùng chứa nước bằng đồng làm chỗ rửa mình cho các thầy tế lễ. Thùng chứa nước này được đặt ngay trước hội mạc. Mỗi ngày hai bận, trước khi các thầy tế lễ vào nơi thánh trong Đền Tạm để làm đèn và dâng hương cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:7-8), hoặc mỗi khi vào nơi thánh dâng tế lễ, thì phải rửa tay và chân với nước chứa trong thùng, để khỏi bị chết khi ra mắt Chúa.

Khi từ lều riêng đi đến đền tạm để phục vụ, chắc chắn các thầy tế lễ đã tắm rửa sạch sẽ trước khi mặc lễ phục. Nhưng khi bước vào hội mạc, họ vẫn phải rửa tay và chân trước khi bước vào nơi thánh. Họ phải rửa tay vì tay của họ sắp làm những công tác thờ phượng Chúa như chuẩn bị đèn, thắp đèn, và xông hương, hoặc dâng các sinh tế. Họ phải rửa chân cho sạch hết bụi đường vì họ sắp sửa bước vào nơi thánh. Ngày xưa, Môi-se đã phải cởi giày ra vì vùng đất chung quanh bụi gai cháy đã trở nên thánh bởi sự hiện diện của Chúa ở giữa bụi gai. Ý nghĩa của sự rửa này không chỉ nhằm vào việc tẩy uế tay chân, mà còn mang lấy ý nghĩa về sự tẩy uế thuộc linh mỗi khi chúng ta ra mắt Thiên Chúa.

II. Địa vị thầy tế lễ của Cơ-đốc nhân

Mỗi một Cơ-đốc nhân là một công dân thánh của Nước Trời và là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời chí cao:

“Nhưng các anh chị em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Ngài, để cho các anh chị em rao giảng sự trọn lành của Đấng đã gọi các anh chị em ra khỏi sự tối tăm, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:9).

“Đấng đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, Cha của Ngài – Nguyện sự vinh quang và quyền thế thuộc về Ngài cho đến đời đời. A-men!” (Khải Huyền 1:6).

III. Nhiệm vụ thầy tế lễ của Cơ-đốc nhân

Thầy tế lễ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có nhiệm vụ thờ phượng Chúa qua sự thắp đèn, xông hương, và dâng của tế lễ. Các nghi thức thắp đèn, xông hương, và dâng tế lễ của các thầy tế lễ thời Cựu Ước là hình ảnh về sự chiếu sáng vinh hiển của Thiên Chúa, dâng lời cảm tạ, ngợi tôn và dâng chính thân thể mình trong sự thờ phượng Chúa của chúng ta ngày hôm nay.

1. Nghi thức thắp đèn: Thời Cựu Ước, chân đèn tượng trưng cho dân I-sơ-ra-ên, dầu thắp đèn là điều răn và luật pháp của Chúa, ánh sáng là nếp sống thánh khiết theo điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Thời Tân Ước, chân đèn là Hội Thánh, dầu thắp đèn là Lời Chúa, ánh sáng là nếp sống đạo của Cơ-đốc nhân. Vì thế, Đức Chúa Jesus phán:

“Các ngươi là sự sáng của thế gian. Một cái thành nằm trên núi thì không thể bị khuất được. Cũng không ai thắp đèn mà đặt dưới cái thùng, nhưng đặt trên chân đèn thì nó soi sáng khắp mọi sự ở trong nhà. Sự sáng của các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, để họ thấy những việc lành của các ngươi, và tôn vinh Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 5:14-16).

Nhiệm vụ thắp đèn của chúng ta ngày nay là sống theo Lời Chúa. Mỗi ý tưởng, lời nói, hành động của chúng ta phải chiếu sáng vinh hiển của Chúa.

“Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

2. Nghi thức xông hương: Thời Cựu Ước, ngoài những dịp tế lễ, mỗi ngày hai buổi sáng chiều, thầy tế lễ xông hương trong nơi thánh của Đền Tạm. Hương dùng để xông trong Đền Tạm là loại hương được bào chế theo chỉ thị của Thiên Chúa và không một thức hương nào khác được dùng để dâng lên cho Ngài. Sự dâng hương bày tỏ sự tôn kính và cảm tạ Chúa, nhưng sự tôn kính và cảm tạ này phải được thi hành theo ý Chúa chứ không phải theo ý riêng của loài người. Thức hương đó cũng không được dùng vào việc chi khác hoặc dùng cho loài người. Nghĩa là sự tôn kính và cảm tạ tối cao chỉ có thể dành cho Đức Chúa Trời chứ không thể dành cho ai khác. (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:7-8, 34-38). Thời Tân Ước, sự xông hương cho Đức Chúa Trời chính là sự tôn kính và cảm tạ Chúa của chúng ta mỗi ngày. Chúng ta nên xông hương lên Chúa ngày hai bận sáng chiều như các thầy tế lễ thời Cựu Ước. Hãy bắt đầu một ngày mới với lời cầu nguyện tôn vinh và cảm tạ Đức Chúa Trời. Hãy chấm dứt một ngày cũng với lời cầu nguyện tôn vinh và cảm tạ Đức Chúa Trời (Khải Huyền 5:8).

“Hãy luôn trong danh của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta mà tạ ơn Đức Chúa Trời và Cha của chúng ta, về mọi sự.” (Ê-phê-sô 5:20).

“Mặc dù các anh chị em nói hay làm, cũng phải trong danh Đức Chúa Jesus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha.” (Cô-lô-se 3:17).

“Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).

“Vậy, chúng ta hãy bởi Ngài hằng dâng tế lễ của sự tôn vinh lên Đức Chúa Trời, tức là bông trái của môi miệng cảm tạ danh của Ngài.” (Hê-bơ-rơ 13:15).

3. Nghi thức dâng tế lễ: Thời Cựu Ước, có ba loại tế lễ khác nhau: tế lễ về sự chuộc tội, tế lễ về sự phục hòa (tế lễ thù ân), và tế lễ tự nguyện. Tế lễ tự nguyện không bị ràng buộc bởi luật pháp, bao gồm tế lễ về sự hứa nguyện, tế lễ về sự cảm tạ, và tế lễ về sự dâng hiến lạc ý. Dâng hiến lạc ý là những sự dâng hiến tỏ lòng tôn kính Chúa. Thời Tân Ước, tế lễ về sự chuộc tội đã được chính Đức Chúa Jesus thực hiện bằng cách dâng chính thân Ngài một lần đủ cả cho sự chuộc tội của toàn thể nhân loại (Hê-bơ-rơ 9:28); tế lễ phục hòa cũng đã được chính Đức Chúa Jesus thực hiện qua sự thiết lập tiệc thánh. Ngày nay, trong địa vị thầy tế lễ, Cơ-đốc nhân chỉ còn dâng các tế lễ tự nguyện: là dâng của lễ cảm tạ sự chăm sóc của Chúa qua sự dâng hiến một phần mười các hoa lợi, dâng của lễ lạc ý bày tỏ lòng yêu kính Chúa qua các sự dâng hiến như dâng hiến tiền bạc, thời gian, công sức cho công tác truyền giáo, và dâng của lễ về sự hứa nguyện của mình với Chúa qua sự dâng hiến chính thân thể mình:

“Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi những sự thương xót của Đức Chúa Trời mà dâng các thân thể của các anh chị em làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em.” (Rô-ma 12:1).

“Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể của các anh chị em là Đền Thờ của Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em có từ Thiên Chúa, và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì các anh chị em đã được mua chuộc bằng giá cao rồi; nên hãy tôn vinh Đức Chúa Trời trong thân thể của các anh chị em và trong tâm thần của các anh chị em, là các sự thuộc về Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:19-20).

Kết luận

Vì chúng ta là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời thi hành nhiệm vụ của mình mỗi ngày trước sự hiện diện thánh của Chúa, cho nên chúng ta phải cẩn thận dọn mình trước khi thi hành nhiệm vụ. Ngày xưa, Đức Chúa Jesus phán cùng các sứ đồ rằng, họ đã được trong sạch nhờ vào lời phán của Ngài (Giăng 15:3). Và, trong khi cầu thay cho các sứ đồ, Đức Chúa Jesus đã xin Đức Chúa Cha lấy lẽ thật là Lời Chúa làm cho họ được nên thánh (Giăng 17:17). Sứ Đồ Phao-lô cũng dạy cho tín đồ Ê-phê-sô biết rằng Đấng Christ đã “làm cho Hội tinh sạch, với sự rửa bởi nước trong lời phán” (Ê-phê-sô 5:26); và Sứ Đồ Phi-e-rơ đã cho biết Lời đó chính là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời: “Nhưng Lời phán của Chúa còn lại cho đến vĩnh cửu. [Ê-sai 40:6-8.] Và Lời đó là Tin Lành đã giảng ra cho các anh chị em.” (I Phi-e-rơ 1:25)

Như vậy, chúng ta cần phải thanh tẩy chính mình mỗi ngày bằng lời của Chúa. Trước khi cầu nguyện, trước khi giảng đạo, trước khi dâng hiến, trước khi tôn vinh, ca ngợi Chúa… nói tóm lại, trước khi nhân danh Chúa để làm một điều gì, chúng ta phải nhờ lời Chúa tra xét, tẩy rửa chúng ta để chúng ta không lưu giữ một chút tội lỗi nào trong chúng ta mà vi phạm sự thánh khiết của Chúa. Lời của Chúa sẽ chỉ ra tội lỗi, dẫn chúng ta đến sự ăn năn, và sự ăn năn dẫn chúng ta đến sự được tha tội và được làm cho sạch tội:

“Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công bình, [hà hơi = ban sự sống; thần cảm] để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16-17).

“Vì Lời của Đức Chúa Trời sống và năng động; sắc hơn bất cứ gươm hai lưỡi nào; đến nỗi xuyên thấu và phân chia cả linh hồn, tâm thần, các khớp xương và tủy; xem xét những tư tưởng và những ý định của lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12).

“Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công bình.” (I Giăng 1:9).

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

11/03/2007