Hỏi & Đáp: Các Linh Hồn Bị Tù & Tà Thuyết Ngục Luyện Tội

4,544 views

Hỏi:

Chào chú Tim! Con có một thắc mắc khi đọc Kinh thánh, nếu có thời gian xin chú giúp con giải đáp được không ạh!Trong IPhiero 3:18-20 có đề cập tới việc Chúa Jesus rao giảng cho các linh hồn bị tù. Những linh hồn này có phải là linh hồn người chết bị giam giữ! Và nơi Chúa giảng có phải là âm phủ không ạh! Con thấy có một số bạn con là người công giáo dùng đoạn Kinh thánh này để chứng minh cho giáo lý về “ngục luyện tội”, xin chú giải đáp giúp con!

Chúa ở cùng trên chú cùng gia đình!

Tuấn Lê

Đáp:

 

Chào Tuấn Lê,

Những câu Thánh Kinh (I Phi-e-rơ 3:18-20) mà Tuấn Lê hỏi là những câu khó giảng, đưa ra nhiều tranh luận về thần học. Trước hết, chúng ta hãy dựa vào nguyên ngữ Hy-lạp để dịch những câu này một cách sát nghĩa cho dễ hiểu:

Bản dịch Phan Khôi: Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để Ngài có thể dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đă chịu chết, nhưng về phần linh hồn thì được sống. Ấy bởi đồng một linh hồn đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn bị tù, tức là kẻ bội nghịch thuở trước, về thời kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhịn nhục chờ đợi, chiếc tàu đóng nên, trong đó có ít người được cứu bởi nước, là chỉ có tám người.

Dịch sát nghĩa: Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi đã chịu khổ một lần đủ cả – là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn các anh em đến cùng Đức Chúa Trời – một mặt bị khiến cho chết về phần xác thịt, mặt khác được làm cho sống về phần linh (spirit). Cũng bởi linh đó, Ngài đi giảng cho các linh (spirits) đang bị tù, là những linh đã bội nghịch khi Đức Chúa Trời nhịn nhục chờ đợi trong những ngày của Nô-ê, lúc chiếc tàu được chuẩn bị, trong đó có ít người được cứu bởi nước, là chỉ có tám người.

Theo lời dịch sát nghĩa trên đây chúng ta nhận thấy:

1. Đấng Christ vì tội lỗi đã chịu khổ một lần đủ cả vì thế Ngài không cần phải tiếp tục chịu khổ trong các lễ Mi-sa (Mass) của Công Giáo, cũng không cần ai phải làm gì thêm, như: đọc kinh, cầu nguyện, bố thí, làm lành, hoặc chịu đốt trong “ngục luyện tội…” để giải quyết tội lỗi.

2. Đấng Christ bị (loài người) khiến cho chết về phần xác thịt nhưng được (Đức Thánh Linh) làm cho sống về phần linh (spirit) chứ không phải Ngài bị lính La-mã giết chết phần xác thịt còn phần linh thì bị Satan hành hạ rồi giết chết trong hỏa ngục như một vài giáo phái Ân Tứ/Ngũ Tuần dạy.

3. Chính linh của Đấng Christ đã đi giảng cho các linh đang bị tù. Theo văn mạch trong câu 20, những linh đang bị tù là những linh của loài người đã bội nghịch Đức Chúa Trời vào thời Nô-ê chứ không phải các thiên sứ phản loạn trở thành các tà linh, ma quỷ.

Động từ “đi” và “giảng” trong câu 19 được dùng ở thời bất định (aorist tense) cho nên chúng ta không có cách nào để khẳng định thời điểm Linh Đấng Christ giảng cho các linh bị tù. Có hai cách hiểu:

(a) Linh của Đấng Christ đã giảng cho các linh đang bị tù vào lúc họ còn sống trong xác thịt trước khi bị chết trong cơn nước lụt. Một số nhà giải kinh cho rằng Linh Đấng Christ giảng qua Hê-nóc hoặc Nô-ê. Tham khảo Sáng Thế Ký 6:3 (Dịch sát nghĩa): “Đức Giê-hô-va phán rằng: Thần Ta sẽ chẳng nài nỉ loài người luôn; loài người chỉ là xác thịt; đời người sẽ là một trăm hai mươi năm mà thôi.” Chúng ta có thể hiểu từ ngữ “Thần Ta” chính là Linh Đấng Christ và câu văn cho biết Linh Đấng Christ không tiếp tục nài nỉ loài người nữa. Dầu vậy, Đức Chúa Trời vẫn cho loài người thêm 120 năm để ăn năn.

(a) Linh của Đấng Christ giảng cho những linh đang bị tù trong khoảng thời gian thể xác Ngài bị chết cho đến khi thể xác Ngài được phục sinh. Tuy nhiên, động từ “giảng” (kērussō) không chỉ định là “giảng Tin Lành” (euaggelizō) mà được dùng để chỉ sự công bố một lẽ thật. Dựa vào ý nghĩa của động từ “giảng” và Hê-bơ-rơ 9:27 chúng ta có thể hiểu rằng: Cho dù Linh Đấng Christ giảng cho các linh bị tù trong thời điểm thể xác của Ngài bị chết thì cũng không phải là giảng Tin Lành để những linh ấy có cơ hội ăn năn, tin nhận và được cứu rỗi, (bởi vì Lời Chúa khẳng định rõ sau khi chết chỉ có sự phán xét,) mà chỉ là công bố cho họ biết Ngài đã hoàn thành sự cứu rỗi nhân loại nhưng họ đã không có phần trong sự cứu rỗi ấy vì sự cứng lòng của họ thuở xưa. Ngoài ra, nếu là giảng Tin Lành để cho các linh bị tù được thêm cơ hội tin nhận Chúa thì tại sao các linh khác của những người bội nghịch Đức Chúa Trời đã chết từ thời sau cơn nước lụt cho đến khi Đấng Christ chịu chết (như bảy dân tộc xứ Ca-na-an bị dân Y-sơ-ra-ên tiêu diệt chẳng hạn) lại không được nghe giảng?

Thánh Kinh không hề dạy sau khi chết loài người còn có cơ hội được nghe giảng Tin Lành. Thánh Kinh khẳng định ai nấy đều được Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài nhưng nhiều người đã chọn sống trong tội:

“Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đă trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đă tỏ điều đó cho họ rồi,  bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.” (Rô-ma 1:19-21)

Thánh Kinh khẳng định những kẻ không luật pháp mà phạm tội vẫn sẽ bị hư mất:

“Phàm những kẻ không luật pháp mà phạm tội, cũng sẽ không luật pháp mà hư mất…” (Rô-ma 2:12a)

Vì thế, không thể nào dùng I Phi-e-rơ 3:18-20 để tuyên truyền cho giáo lý về “Ngục Luyện Tội” hoặc giáo lý về “Cơ hội sau khi chết.” Những ai tự xưng là tín đồ Đấng Christ mà dựa vào ngụy giáo lý về “Ngục luyện tội” và “Cơ hội sau khi chết” để sống theo xác thịt, chờ sau khi chết mới ăn năn, là những người bị trúng kế của ma quỷ. Thánh Kinh dạy chúng ta phải đứng vững “lấy lẽ thật làm dây nịt lưng” để chống cự cùng mưu kế của ma quỷ (Ê-phê-sô 6:11, 14). Đấng Christ đã chiến thắng ma quỷ và giải phóng chúng ta ra khỏi quyền lực của ma quỷ. Ngày nay, ma quỷ không thể làm gì được chúng ta hơn là dùng đủ mưu kế để gạt chúng ta phạm tội. Từ ngữ “trăm phương ngàn kế” đem áp dụng cho ma quỷ là chính xác nhất vì ma quỷ là “cha của sự nói dối.” Chính vì thế, Thánh Kinh dạy chúng ta “hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỷ.” Nguyên tắc “lấy lẽ thật làm dây nịt lưng” giúp chúng ta thoát khỏi những mưu kế dùng ngụy giáo lý (tà thuyết) để lường gạt của ma quỷ.

Tim Huỳnh
27/06/2009